![]() |
Áp phích vở Quan Âm Thị Kính của Nhà hát chèo VN. |
Ông Nguyễn Đình Quân, Giám đốc Nhà hát chèo VN, tỏ ra lạc quan: "Đã là đào, là kép thì phải có thanh, có sắc. Mà thanh và sắc thì "mỗi cái tuổi nó đuổi xuân đi". Lớp diễn viên gạo cội xử lý tích trò rất có nghề. Nhưng tuổi cao, thanh, sắc yếu thì làm sao vai diễn tươi mát được? Bởi vậy, lần này, chúng tôi quyết định đặt cược số phận Quan Âm Thị Kính vào tay lớp diễn viên mới toe như Dịu Hương, Thu Hằng, Tuấn Tài...".
Quan Âm Thị Kính là vở chèo tiêu biểu cho thủ pháp nghệ thuật của sân khấu khuyến giáo phương Đông với các phương pháp tả thần, xây dựng, chuyển hoá mô hình, khoa trương, ước lệ và cách điệu. Từng lớp bi lại chen lẫn lớp hài, lớp trữ tình, thậm chí ngay cả trong một đoạn cũng có câu hài, câu bi tiếp nhau. Nhân vật chính, Thị Kính, có quãng đời hết sức đau khổ. Nàng được gả cho thư sinh Sùng Thiện Sĩ. Một đêm, Thiện Sĩ ngồi đọc sách, Thị Kính ngồi may bên cạnh. Thiện Sĩ bỗng thấy mệt mỏi, bèn ngả lưng xuống giường. Thị Kính ngắm nhìn khuôn mặt tuấn tú của chồng, bỗng thấy ở cằm chồng có một sợi râu mọc ngược. Sẵn con dao nhíp trong giỏ may, Thị Kính liền cầm lên định cắt râu. Bỗng Thiện Sĩ tỉnh giấc... Nghi vợ hại mình, chàng bèn la toáng lên. Ông bà họ Sùng nghe tiếng cãi nhau, vội chạy vào buồng và cũng đổ tội giết chồng cho Thị Kính... Oan khổ, Thị Kính bèn cải trang thành nam và tìm đường đến cửa Phật, lấy pháp danh là Kính Tâm. Thế nhưng tu hành chưa được bao lâu thì tai vạ lại đến với Kính Tâm... Thị Màu, con gái phú ông, đi lễ chùa và đem lòng yêu Kính Tâm. Thất vọng vì không được đền đáp, Thị Màu bèn tư thông với một người đày tớ trong nhà, có thai rồi đổ vạ cho Kính Tâm. Vì thế tiểu Kính Tâm bị làng đòi đến tra khảo. Không biết biện bạch ra sao để gỡ mối oan, Kính Tâm đành cam chịu sự đánh đập tàn nhẫn...
H.H.