Ông Nguyễn Vinh Công, 50 tuổi, thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, cho biết năm 2000 gia đình có thửa đất hơn 400 m2 ở gần bờ biển bị sạt lở. Nước biển xâm thực cuối trôi một phần đất, đe dọa cuộc sống. Ông được chính quyền cấp 250 m2 đất cách nơi ở cũ khoảng 2 km, dựng căn nhà cấp bốn để tái định cư.
Cũng như các hộ dân liền kề, ông được nhà nước hỗ trợ 800.000 đồng khoan giếng và 1,5 triệu đồng để ổn định cuộc sống. Khu tái định cư nằm trên vùng cát biển, xung quanh là rừng cây phi lao. Từ con đường đất nhỏ hẹp, năm 2003, chính quyền mở đường huyện ĐT 613B đổ nhựa, giúp việc đi lại dễ dàng hơn, nhiều ngôi nhà trong xóm cũng trở thành nhà mặt tiền.
"Đến năm 2012 chính quyền họp dân để kê khai thông tin làm sổ đỏ nhưng rồi không có. Sáu năm sau chúng tôi lại được thông báo tiếp tục đi kê khai, làm hồ sơ nhưng kết quả cũng giống như trước", ông Công kể.
Ông Công nói nhiều lúc muốn dùng sổ đỏ vay vốn ngân hàng làm ăn nhưng không có để thế chấp, tiền không biết xoay xở đâu. Ông cùng các hộ dân nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết nhưng bất thành.
Ngư dân 50 tuổi mong chính quyền hỗ trợ cấp sổ đỏ cho dân. Nếu nhà nước không hỗ trợ, những ngư dân sống bám biển, kinh tế khó khăn như ông sẽ khó làm được sổ do với khung giá đất hiện nay cần đến 300-400 triệu đồng.
Cách đó khoảng 5 km, ông Nguyễn Văn Công, 51 tuổi được di dời từ vùng sạt lở bờ biển đến khu tái định cư thôn Ngọc An, xã Tam Tiến từ năm 2000. Trên mảnh đất 210 m2 được nhà nước cấp, ông xây dựng căn nhà cấp bốn, phần còn lại làm chuồng chăn nuôi gia cầm.
Gia đình ông có bốn người, ổn định cuộc sống hơn 20 năm nhưng đến nay sổ đỏ chưa có. "Nếu có dự án hay công trình đi qua đây không biết căn cứ vào đâu để giải quyết đền bù. Chúng tôi cũng không thể làm thủ tục chuyển nhượng hay thừa kế, nhiều người phải chuyển nhượng bằng giấy viết tay", ông Công cho hay.
UBND xã Tam Tiến cho biết hiện có 141 hộ dân thuộc diện di dời vùng sạt lở vào các khu tái định cư nhưng chưa được cấp sổ đỏ. Trong đó, khu tái định cư thôn Long Thạnh có 77 hộ, khu tái định cư thôn Ngọc An có 64 hộ.
Lý giải việc này, ông Nguyễn Xuân Uy, Phó chủ tịch xã Tam Tiến, nói khi kê khai thủ tục làm sổ đỏ, xã phát hiện thiếu quyết định cấp đất đối với từng hộ. Không có quyết định này, chính quyền và cơ quan chức năng không có cơ sở để cấp sổ đỏ.
Bên cạnh đó, trong quá trình lập trích đo địa chính trình Sở Giao thông Vận tải tỉnh thì các cơ quan phát hiện hai khu tái định cư nằm trong hành lang an toàn giao thông tuyến đường ĐT 613B. Tâm đường mở rộng ra hai bên 15,5 m đều vướng nhà dân, do đó không có cơ sở để cấp sổ đỏ phần đất trong hành lang này.
"Trước đây người dân được di dời vào khu tái định cư trước rồi mới mở đường. Việc lấy thông tin, lập hồ sơ đất đai thực hiện sau khi tuyến đường đã hoàn thiện nên vướng mắc", ông Uy nói và cho hay đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng vẫn bế tắc.
Theo lãnh đạo xã Tam Tiến, người dân có thể tự bỏ tiền ra làm sổ đỏ phần diện tích không vướng hành lang an toàn giao thông đường bộ. Song việc này thiệt thòi cho dân vì chi phí làm sổ đỏ theo khung giá đất quy định hiện nay rất cao. "Xã kiến nghị các sở ngành sớm tham mưu UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ giá đất cho người dân để họ có điều kiện được cấp sổ đỏ, đảm bảo quyền lợi", ông nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang cho biết ngoài xã Tam Tiến, nhiều nơi di dân vùng sạt lở cũng chưa được cấp sổ đỏ sau nhiều năm. Nguyên nhân chủ yếu là hoàn thành dự án nhưng không xử lý dứt điểm hồ sơ thủ tục. "UBND tỉnh đã chỉ đạo sở ngành, huyện, thị xã rà soát để có phương án tháo gỡ, cấp sổ đỏ cho người dân", ông nói.