S&P 500 vừa ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 5 khi mất 1,7% trong phiên 20/9. Nasdaq Composite - rổ chỉ số tập trung vào nhóm công nghệ - giảm 2,2%, sau khi mất hơn 3% đầu giờ. Hai chỉ số này hướng tới tháng giảm điểm mạnh nhất từ tháng 9/2020.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng hướng tới mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Đà bán tháo tăng tốc vào giữa phiên, khiến chỉ số quan trọng của Phố Wall giảm tới 972 điểm, trước khi thu hẹp đà giảm nhờ sự phục hồi của một số mã bluechip.
Không riêng tại Mỹ, đêm qua, tình trạng bán tháo cũng diễn ra trên toàn cầu. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm 3,3%, đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 10/2020, trong khi Stoxx Europe 600 của thị trường châu Âu giảm 1,7%.
Những lo ngại gia tăng về cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande kéo mọi thứ đi xuống, từ cổ phiếu ngân hàng đến Tập đoàn bảo hiểm Ping An và trái phiếu bằng USD. Cổ phiếu một nhà phát triển bất động sản ít tên tuổi của Trung Quốc đã giảm tới 87% trước khi bị tạm dừng giao dịch.
Các gã khổng lồ bất động sản Hong Kong cũng hứng chịu đợt bán ra lớn nhất trong hơn một năm. Chỉ số bất động sản của Hang Seng giảm tới 6,7%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2020. Cổ phiếu của Henderson Land giảm 13%, Sun Hung Kai Properties giảm 10%, mạnh nhất kể từ năm 2012 .
Những lo ngại ngày càng tăng về rủi ro vỡ nợ của nhà phát triển bất động sản Evergrande Group của Trung Quốc, "quả bom nợ" lớn nhất so với bất kỳ công ty phát triển hoặc quản lý bất động sản được giao dịch công khai trên thế giới, đã kích hoạt làn sóng tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro, như cổ phiếu, dầu mỏ và Bitcoin, để chuyển sang các "kênh trú ẩn" khác.
Những người tham gia thị trường ngày càng lo lắng Bắc Kinh sẽ tiếp tục nỗ lực kiềm chế các ngành công nghiệp và để Evergrande, công ty nợ hàng chục tỷ USD của các nhà đầu tư trên khắp thế giới, sụp đổ.
"Đây là một mối đe dọa với tăng trưởng toàn cầu", Ilya Feygin, giám đốc điều hành tại WallachBeth Capital cho biết. "Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi thứ xấu đi? Điều đó có nghĩa là một hệ lụy đến hệ thống tài chính Trung Quốc và hoạt động kinh tế nói chung trên toàn thế giới vì tầm quan trọng của nước này".
Theo Bloomberg, nhiều nhà đầu tư đang chọn cách bán trước và đặt câu hỏi sau, khi đối mặt với sự không chắc chắn về việc ông Tập sẵn sàng đi bao xa với các chiến dịch thị trường để đạt được "sự thịnh vượng chung".
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng thử thách Evergrande vẫn có thể gây ra thiệt hại kéo dài, theo các nhà phân tích của Societe Generale SA viết trong một báo cáo nhanh gửi nhà đầu tư hôm qua.
"Những hậu quả từ sự sụp đổ trong tương lai của Evergrande có thể sẽ góp phần vào sự giảm tốc kinh tế đang diễn ra của Trung Quốc, từ đó kéo theo tăng trưởng và lạm phát toàn cầu, đồng thời ảnh hưởng đến giá hàng hóa", Phoenix Kalen, người đứng đầu về chiến lược đầu tư vào các thị trường mới nổi tại London, cho biết.
Trên Financial Times tuần trước, tỷ phú George Soros thậm chí cảnh báo rằng vụ vỡ nợ của Evergrande có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ. Chen Zhiwu, giáo sư tài chính tại Đại học Hong Kong, cho biết sự sụp đổ của Evergrande, nếu xảy ra, có thể dẫn đến khủng hoảng tín dụng đối với toàn bộ nền kinh tế, khi các tổ chức tài chính lo sợ rủi ro nhiều hơn. Thất bại của Evergrande "không phải là tin tốt cho hệ thống tài chính hoặc nền kinh tế nói chung".
Những lo ngại về Evergrande cũng xuất hiện đồng thời khi các nhà đầu tư ngày càng thận trọng hơn về triển vọng của thị trường cổ phiếu, sau chuỗi phiên tăng liên tiếp gần đây. Một số nhà đầu tư cho rằng Phố Wall đã đến lúc điều chỉnh khi các chỉ số chủ chốt gần như tăng không ngừng, liên tiếp xô đổ các kỷ lục từ đầu năm nay.
Trong khi đó, giới phân tích chỉ ra các dấu hiệu cho thấy sự phục hồi kinh tế tại Mỹ đã mất dần khi biến thể Delta lan rộng. Mặc dù vấn đề Evergrande có thể là nguyên nhân dẫn đến việc bán tháo trong phiên hôm qua, nhưng những lo lắng về nền kinh tế toàn cầu và sự tăng giá của thị trường chứng khoán trong năm nay cũng là một phần nguyên nhân.
Trong phần lớn mùa hè, các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đổ dồn vào thị trường chứng khoán. Các chỉ số tăng liên tục do các nhà đầu tư nhanh chóng "bắt đáy" chỉ với một nhịp giảm nhỏ, một chiến lược được ưa chuộng đã giúp thị trường chứng khoán phục hồi từ mức thấp vào tháng 3/2020 và tăng 16% từ đầu năm nay.
Dù vậy, tâm lý thị trường đã nhanh chóng thay đổi vào tháng 9. Nhiều nhà đầu tư đang chuẩn bị tinh thần cho những biến động mạnh hơn, và một số người nói rằng họ đang dự báo lợi nhuận mờ nhạt trong suốt thời gian còn lại của năm.
Các nhà phân tích tại Citigroup, Deutsche Bank và Bank of America đều cảnh báo về rủi ro trên thị trường chứng khoán Mỹ trong những báo cáo cập nhật đầu tháng này. Một số dự báo thậm chí còn trầm trọng hơn. Các chiến lược gia của Morgan Stanley hôm qua cảnh báo về khả năng sụt giảm hơn 20% trong S&P 500 đang ngày càng tăng.
Dù vậy, một số nhà phân tích nói rằng họ không mong đợi những tai ương tài chính của Evergrande sẽ tràn sang các khu vực khác trên thế giới và đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
Frank Benzimra, người đứng đầu chiến lược đầu tư khu vực châu Á tại Société Générale, cho rằng Evergrande sẽ không có khả năng dẫn đến "khoảnh khắc Lehman" - cú sốc tài chính sau sự sụp đổ của Lehman Brothers vào năm 2008.
Các nhà phân tích của JPMorgan cho biết trong một báo cáo nhanh hôm qua rằng tình trạng bán tháo trên thị trường trở nên trầm trọng hơn một phần do các yếu tố kỹ thuật như bảo hiểm rủi ro quyền chọn, cũng như thanh khoản kém. Họ coi phiên báo tháo ngày 20/9 là một "phản ứng thái quá" và một số nhà đầu tư đã tham gia "bắt đáy" vào cuối phiên giao dịch.
"Những dự báo về thị trường của chúng tôi vẫn không thay đổi và chúng tôi coi việc bán tháo là cơ hội để mua vào", một nhóm chuyên gia do Marko Kolanovic của JPMorgan dẫn đầu viết trong một báo cáo gửi nhà đầu tư hôm qua.
Minh Sơn (theo WSJ, Bloomberg)