Cựu giáo sư đại học, lãnh đạo của một trong những công ty quan trọng nhất đối với tương lai ngành vận tải đưa ra lời cảnh báo cho bất cứ ai để mắt tới địa hạt tái chế pin xe điện.
"Tôi muốn nói với những người muốn gia nhập vào thị trường này rằng: đừng làm thế, các anh chỉ đang lãng phí tiền của", Hứa Khai Hoa, chủ tịch hãng sản xuất kim loại pin Trung Quốc GEM, nói. "Chỉ những công ty trong top 5 mới có thể tồn tại".
Công ty mà Hứa sáng lập tại Thâm Quyến vào năm 2001 áp dụng mô hình kinh doanh mở rộng, đặt mình vào vị trí trung tâm trong chuỗi cung ứng trải dài từ các mỏ cobalt và nickel ở châu Phi và Đông Nam Á tới các hãng xe Volkswagen và BMW. Dấu ấn đa dạng của GEM bao gồm một nhà máy ở Indonesia sẽ cho phép công ty né lệnh cấm xuất khẩu của nước này đối với nickel, nguyên liệu thô chủ chốt. Công ty này cũng là hãng tái chế kim loại từ pin đã qua sử dụng lớn nhất thế giới.
GEM nằm trong một nhóm nhỏ các công ty Trung Quốc, bao gồm Chiết Giang Hoa Hữu Cobalt và Tập đoàn Kim Xuyên, các công ty tương đối khiêm tốn dễ khiến người ta có ấn tượng sai lầm với tầm quan trọng của chúng trong tương lai năng lượng. GEM tạo ra loại hoá chất tinh khiết cao dẫn xuất từ nickel, cobalt và lithium, sẽ được đặt hàng với số lượng khổng lồ trong thập kỷ tới khi các hãng ôtô trên thế giới điện khí hoá sản phẩm của họ.
GEM có "vị trí độc nhất" trong chuỗi cung ứng pin, Hans Eric Melin, người sáng lập công ty tư vấn Circular Energy Storage trụ sở London, đã đến thăm nhà máy của GEM, nói. "Họ đã nỗ lực gia tăng vai trò lịch sử của mình với tư cách nhà tái chế để trở thành một trong những công ty nguyên liệu chế tạo pin hàng đầu". Công ty này cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhà phân tích, với 11 trên 12 người được khảo sát bởi Bloomberg đánh giá nên mua cổ phiếu niêm yết của công ty này trên thị trường chứng khoán Thâm Quyến.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng 11 ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, nơi công ty này vận hành một trong 15 nhà máy trên khắp Trung Quốc, Hứa đã bộc bạch về "giấc mộng xanh", điều đã thúc giục ông chuyển từ con đường học thuật sang thương mại. "Khi khởi nghiệp, anh cần phải có tầm nhìn. Và tôi hiểu rằng chúng ta rốt cuộc sẽ cần đến tái chế để giải bài toán tài nguyên hữu hạn", ông nói.
Hứa nay đã 53 tuổi, có chuyên môn trong lĩnh vực tái chế kim loại ở trường Đại học Trung Nam, tỉnh Hồ Nam. Mục tiêu của ông đối với GEM là thu gom và xử lý 30% số pin xe điện thải bỏ của Trung Quốc, khi ngày càng nhiều đơn vị đổ xô vào chuỗi cung ứng trong thập kỷ tới.
Khoảng 39.000 tấn cobalt và 125.000 tấn nickel có thể đến từ những viên pin đã qua sử dụng tính tới năm 2030, giúp bù đắp bất cứ thiếu hụt nào từ nguồn cung mỏ, theo BloombergNEF. Khối lượng cobalt này cũng đáp ứng được hơn 10% nhu cầu dự tính. Tới 2025, GEM có kế hoạch thu được 8.500 tấn cobalt và 19.000 tấn nickel từ nguồn tái chế.
Trong khi cuộc khủng hoảng doanh số xe chạy điện của Trung Quốc xảy ra sau khi chính phủ nước này cắt giảm các trợ cấp vào năm nay dường như là cơn gió ngược đối với GEM, nhưng theo quan điểm của Hứa, điều đó có nghĩa là các đối thủ mới sẽ chật vật tìm chỗ đứng. Công ty này tạo ra 1 phần 5 lượng precursor của thế giới – hợp chất hoá học dùng ở catôt để dự trữ và phóng điện trong các viên pin có thể sạc lại.
"Trong ngành kim loại pin, có rất nhiều năng lực mới đến từ những người mới", Hứa cho biết. "Nhưng chúng tôi có sự hợp tác tuyệt vời với các khách hàng. Với năng lực sản xuất mới, họ sẽ rất khó khăn để thâm nhập".
GEM đã đạt được một thoả thuận 5 năm vào tháng 10 để có được sản lượng lớn cobalt từ Cộng hoà Dân chủ Congo, nhưng chiến lược đầu tư của công ty này chủ yếu vẫn tập trung vào đảm bảo đủ nguồn nickel.
"Đầu 2017, chúng tôi đã quyết định rằng bài toán cung ứng nằm ở nickel", Hứa cho biết. Khi giá cobalt hồi phục, và các công ty Trung Quốc gấp rút đổ tới Congo để giành giật nguyên liệu, GEM đã chọn một chiến lược khác.
Hứa hợp tác với Xiang Guangda, chủ tịch Tsingshan Holding Group, tập đoàn đã làm đảo lộn thị trường nickel bằng cách tiên phong trong các khoản đầu tư từ mỏ tới thép ở Indonesia. Nay, GEM là nhà đầu tư hàng đầu trong một liên doanh sản xuất hoá chất sử dụng trong pin tại cùng địa điểm với nhà máy thép không gỉ của Tsingshan ở Sulawesi. Sự phát triển này sẽ giúp công ty giữ được cam kết với Jakarta trong việc ngăn chặn tài nguyên khoáng sản của đất nước này chảy ra nước ngoài.
"Xiang cho chúng tôi sự tin cậy để tham gia vào dự án của ông ấy", Hứa cho biết. "Ông ấy đã có sẵn nhà máy ở đây – cũng như cảng, năng lượng, đường sá. Do đó chi phí sẽ chỉ bằng một nửa so với ở bất cứ nơi nào khác. Và vì Tsingshan đã ở đây, nên chúng tôi không cần phải thoả thuận trực tiếp với chính phủ".
Khi nhà máy này phải đối diện với sự nghi ngờ về chi phí và kế hoạch, Hứa cho biết ông đặt mục tiêu nhà máy sẽ đi vào chạy thử vào giữa năm sau, và đạt 70 đến 80% công suất tối đa vào năm 2021. Hai công ty này cũng dự định thành lập nhà máy liên doanh catôt ở Trung Quốc, đặt gần các nhà máy của hãng sản xuất pin hàng đầu thế giới, Contemporary Amperex Technology.
Mai Huyền (theo Bloomberg)