Đại diện hãng điện tử Hàn Quốc cho biết, mỗi năm có hàng chục triệu tấn rác thải điện tử nhưng chỉ một phần rất nhỏ trong đó được tái chế. Nhằm tạo ra những thiết bị thân thiện với môi trường, Samsung liên tục nghiên cứu các giải pháp tác động đến tự nhiên, bao gồm tăng tuổi thọ của sản phẩm và tái chế tài nguyên.
Thùng TV thành kệ sách, nhà thú cưng
Gần đây, tái chế, tái sử dụng đồ nội thất thân thiện môi trường được nhiều người ưu tiên. Từ xu hướng này, các nhà thiết kế của Samsung có ý tưởng tận dụng thùng TV cũ để tạo ra những món đồ nội thất đơn giản, đạt tính thẩm mỹ: kệ, tủ, hộp hay nhà cho thú cưng... Sự thay đổi này hướng đến hạn chế lượng rác thải và bảo vệ môi trường, làm mới không gian nhà ở.
Cụ thể, bao bì sinh thái được in ma trận chấm, người dùng có thể để cắt ghép bìa giấy thành các món nội thất nhỏ. Chất liệu thùng giấy được tính toán để bảo vệ an toàn sản phẩm bên trong đồng thời giảm chi phí, phát sinh khí thải carbon thấp trong quá trình sản xuất. Trên bao bì sẽ in mã QR, khi quét sẽ dẫn về website có các hướng dẫn quá trình lắp ráp. Người dùng có thể chủ động chọn mẫu nội thất muốn làm, tùy thuộc vào thời gian và độ khó.
Ý tưởng về bao bì sinh thái xuất phát từ dự án của C-Lab - chương trình ươm tạo khởi nghiệp nội bộ của Samsung. Các nhà phát triển C-Lab không ngừng quan sát không gian nội thất trong gia đình và thấy người dùng thường đặt set-top box, đồ nội thất nhỏ và thiết bị điện dưới TV của họ. Từ đó, họ lập kế hoạch sử dụng sản xuất những thùng đựng chắc chắn để có thể tái chế thành đồ nội thất.
Thùng đựng TV có thể tái chế giới thiệu lần đầu trên dòng Samsung Lifestyle TV, bao gồm The Frame, The Serif và The Sero vào tháng 4/2020. Đến nay, hãng triển khai ứng dụng giải pháp trên nhiều dòng sản phẩm như Neo QLED 20201.
Giảm 99 triệu viên pin nhờ năng lượng mặt trời
Gần đây, trong bản phác thảo kế hoạch giúp điều khiển từ xa thân thiện với môi trường hơn, các nhà phát triển tập trung sự chú ý vào pin dùng một lần.
Để hiểu rõ tầm quan trọng của viên pin, kỹ sư của hãng làm một phép tính: giả sử một chiếc TV thông thường được sử dụng trong khoảng 7 năm, việc thay pin trong điều khiển từ xa mỗi năm một lần, có nghĩa là 14 viên pin sẽ bị sử dụng và bỏ đi. Nhân với doanh số TV toàn cầu dự kiến hàng năm của Samsung thì con số đó lên tới khoảng 99 triệu viên pin bị loại bỏ, tương ứng giảm lượng khí thải nhà kính xuống 14.000 tấn.
Khi pin AAA được thay thế bởi năng lượng mặt trời, người dùng có thể sạc pin cho điều khiển tại nhà. Thiết bị còn có thể hấp thụ năng lượng từ đèn huỳnh quang trong gia đình, để ở môi trường thiếu sáng vẫn có thể sử dụng.
Các kỹ sư đã giảm mức tiêu thụ điện năng xuống còn 86% thông qua nghiên cứu cách người dùng xem TV, số lần nhấn các nút điều khiển từ xa và tính được thời gian sử dụng chúng. Bên cạnh đó, hãng cũng sử dụng 28% nhựa tái chế được sử dụng để tạo ra thiết bị nặng 40 gram này.
Vừa qua, Samsung tổ chức chương trình tặng 1.100 điều khiển năng lượng mặt trời tại Samsung 68 (Bitexco, quận 1, TP HCM) và các chuỗi siêu thị điện máy lớn. Tham gia sự kiện, anh Nguyễn Văn Vui (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ thích thú ý tưởng điều khiển năng lượng mặt trời: "Tủ pin của gia đình tôi đã chứa vài chục đôi, nên việc chuyển sang dùng năng lượng mặt trời cả nhà đều ưng ý vì tính tiện lợi, tiết kiệm. Ngoài ra còn giúp môi trường đỡ nhận thêm một lượng rác thải lớn về pin", anh cho biết.
Đại diện hãng nhấn mạnh, trong hành trình phát triển Samsung không chỉ tập trung cải tiến những công nghệ mới nhất trên thiết bị mà còn chú trọng thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường, hướng tới thiết lập một nền kinh tế tuần hoàn. Những giải pháp của hãng, vì vậy cũng giúp hình thành lối sống xanh, thân thiện với môi trường.
Tương lai, Samsung sẽ tiếp tục triển khai chương trình trực tuyến về bao bì sinh thái. Hãng đồng thời nhân rộng các vật liệu hướng tới môi trường bền vững, ứng dụng trên màn hình, giá đỡ biển báo, nắp lưng hay TV để người dùng có thể tiếp cận nhiều hơn những sản phẩm "xanh".
Minh Huy (Ảnh: Samsung)