Thứ ba, 16/4/2024
Thứ ba, 30/5/2023, 12:00 (GMT+7)

Tái chế áo phao cũ thành túi đeo

Qua bàn tay của những người thợ thủ công có hoàn cảnh đặc biệt, áo phao không còn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn được Vietnam Airlines tái chế thành quà tặng trên chuyến bay bền vững.

Từ giữa tháng 5, hơn chục nhân viên của doanh nghiệp xã hội Limloop (quận 6, TPHCM) tất bật với đơn hàng đặc biệt từ Hãng hàng không quốc gia Việt Nam: biến những chiếc áo phao không sử dụng được nữa thành những món quà tặng có giá trị sử dụng cho hành khách.

Trong quá trình sử dụng, những chiếc áo phao thường xuyên được Vietnam Airlines kiểm tra kỹ thuật định kỳ. Các áo phao không đảm bảo quy định an toàn sẽ được lưu lại kho và đại tu. Nếu không thể khắc phục, áo phao sẽ được mang đi huỷ.

Tại xưởng may, để đổi đời cho những chiếc áo phao này, đầu tiên những người thợ dùng khăn vải lau chùi sạch sẽ, sau đó tháo rời các bộ phận như dây đai, còi...

Tiếp đến là công đoạn cắt rập theo khuôn có sẵn. Hưng (29 tuổi, trái) và Nghĩa (40 tuổi) đều khiếm thính là hai nhân lực chính của khâu này. Cắt xong, Hưng và Nghĩa đem là ủi những mảnh nylon cho phẳng trước khi mang đi may.

Nhi (21 tuổi) khiếm thính là thợ may chính. Do đơn hàng lớn, ngoài Nhi còn có các phụ nữ ở Làng May Mắn (Trung tâm phúc lợi xã hội tại quận Bình Tân) cũng tham gia may. Để hoàn thiện một chiếc túi đeo hông, Nhi mất khoảng 30 phút. Túi đeo vai lớn hơn, cầu kỳ hơn sẽ tiêu tốn nhiều thời gian hơn.

Sau khi may xong, những chiếc túi được "make-up" với một số chi tiết trang trí nhỏ, trở thành những phụ kiện thời trang cho những hành khách trên các chuyến bay bền vững của Vietnam Airlines.

"Chúng tôi có thể tận dụng được hầu như toàn bộ chiếc áo phao. Ngoài vải làm túi, thì đai áo biến thành dây đeo, dây dù trắng làm dây kéo, miếng nhựa dùng để trang trí, trừ chiếc còi bằng nhựa chưa tái chế được", Ngọc Anh, 35 tuổi, khiếm thính và vận động kém, là người thiết kế các sản phẩm của Limloop cho biết. Những chiếc túi mới sử dụng khoảng 80% nguyên liệu tái chế, trừ dây kéo và vải lót (cho túi đeo) là đồ mới.

Chị Trương Nhung, Giám đốc Điều hành Limloop (phải), cho biết đây là đơn hàng từ một doanh nghiệp lớn đầu tiên với Limloop. Dù đơn vị đã có nhiều năm kinh nghiệm tái chế nylon bỏ đi thành những món đồ mới, nổi bật là những chiếc túi dệt, chị Nhung vẫn cảm thấy bất ngờ trước ý tưởng của hãng hàng không cũng như sản phẩm mà các nhân viên của Limloop trả bài.

"Tôi biết ơn Vietnam Airlines vì nỗ lực như này không phải đơn giản. Nếu không có định hướng, niềm ấp ủ với môi trường thì họ không cần làm những việc khó như thế này", chị Nhung bày tỏ. Nữ CEO hy vọng việc tái chế những món đồ nylon có thể truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp khác, cùng xây dựng những ý tưởng liên quan đến bền vững, đóng góp nhiều hơn cho môi trường xanh.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hàng trăm chiếc áo phao cũ đã được tái chế. Các món đồ xinh xắn này được làm quà tặng cho hành khách bay từ Việt Nam sang Đức vào ngày 26/5. Đây cũng là chuyến bay mà Hãng hàng không quốc gia Việt Nam tham gia "Thử thách chuyến bay bền vững" do Liên minh hàng không Skyteam phát động.

"Bên cạnh ý nghĩa về việc bảo vệ môi trường, những món quà này còn góp phần quảng bá những sản phẩm của thợ thủ công có hoàn cảnh đặc biệt tới bạn bè quốc tế", đại diện hãng nói.

Kim Anh
Ảnh: Quỳnh Trần