Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cấp cứu ngày 29/3, triệu chứng đầy bụng, ăn uống khó tiêu, đau âm ỉ nóng rát vùng thượng vị. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc ruột, chỉ định nội soi gắp bã thức ăn ra khỏi dạ dày.
Bác sĩ Vũ Huy Hiền, Trưởng Khoa Thăm dò chức năng, cho biết không thể cắt nhỏ được khối bã thức ăn để những miếng nhỏ này đi xuống ruột mà phải nội soi gắp từng mảnh nhỏ ra. Sau một giờ rưỡi làm thủ thuật, các bác sĩ lấy ra khỏi dạ dày bệnh nhân khoảng 100 gram măng.
"Nếu không gắp kịp thời măng sẽ gây viêm loét dạ dày hoặc trôi xuống ruột gây tắc ruột nguy hiểm", bác sĩ Hiền nói.
Bệnh nhân cho biết gia đình bán măng khô nên thường xuyên ăn. Trước khi vào viện một tuần, ông ăn khoảng 200 g măng, do răng đã rụng nhiều nên không nhai được kỹ.
Theo bác sĩ Hiền, khối bã thức ăn thường hình thành khi thực phẩm có nhiều chất tanin như hồng ngâm, xoài xanh, ổi... và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng, rau muống, cam, bưởi, quýt, mít, ngô... Đặc biệt, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều chất xơ, nhiều nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật tạo thành khối bã rắn chắc. Thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn.
Nếu không được xử trí kịp thời, tắc ruột do ứ đọng bã thức ăn có thể gây biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân... dẫn tới tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo, trước khi ăn các món có nhiều nhựa như ổi, hồng ngâm, măng khô, cần phải ăn khi no. Để phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, mọi người cần lưu ý cách ăn uống, đặc biệt là người cao tuổi. Theo đó, thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ, nhai kỹ khi ăn, uống đủ nước, ít nhất là 2 lít nước mỗi ngày, tập thể dục đều đặn để giúp ruột được kích thích, dễ dàng co bóp và lưu thông tốt.