Bệnh nhân có tiền sử ung thư dạ dày, từng truyền hóa chất một đợt, sau đó bỏ điều trị, chuyển sang ăn chế độ thực dưỡng. Trước nhập viện, người bệnh cho biết ăn nhiều mít mật, không rõ số lượng. Sau ăn, bà bị đau, bụng chướng, nôn, nhập viện cấp cứu.
Ngày 29/6, bác sĩ Trần Thanh Tùng, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết kết quả CT ổ bụng xác định người phụ nữ bị tắc ruột do bã thức ăn. Bác sĩ chỉ định đặt sonde dạ dày, truyền dịch, dinh dưỡng, sử dụng thuốc giúp mềm thức ăn, kết hợp giảm đau. Tuy nhiên, tình trạng không có tiến triển, thức ăn cứng không vượt qua đoạn ruột bị tắc, ê kíp quyết định phẫu thuật xử lý khối bã.
Theo bác sĩ Tùng, khối thức ăn khiến đoạn ruột bị tắc đóng đặc, chặn lưu thông bình thường của đường tiêu hóa. Ngoài ra, bệnh nhân từng phẫu thuật cắt dạ dày nên khả năng co bóp, nghiền nát thức ăn của bộ phận này không hiệu quả.
"Khi ăn nhiều thực phẩm có chất xơ như mít, măng đã tạo gánh nặng lên hệ tiêu hóa, khiến bã thức ăn bị đẩy xuống ruột non, gây ứ đọng và bị nén chặt cứng, dẫn tới tắc ruột", bác sĩ nói.
Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, được hướng dẫn tập ăn thực phẩm mềm, dạng lỏng và đặc lên trong một tuần.
Bác sĩ khuyến cáo các thực phẩm như mít, măng, rau muống giàu chất xơ nên dễ tạo thành khối bã đông đặc, gây tắc ruột. Nhóm có nguy cơ cao là người cao tuổi sức nhai kém, người đã phẫu thuật vùng bụng như cắt dạ dày hoặc có nhu động ruột, khả năng tiêu hóa kém.
"Nếu không được phát hiện và để tắc ruột quá 24 tiếng có thể gây vỡ, hoại tử mô ruột, sốc nhiễm trùng, nhiễm độc, nguy hiểm tính mạng", ông Tùng khuyến cáo.
Để đảm bảo an toàn, mọi người nên ăn thức ăn được nấu chín, ninh nhừ, nhai kỹ và tránh ăn quá nhanh. Hạn chế sử dụng thức ăn khó tiêu, uống đủ nước, tập thể dục đều đặn để giúp ruột được kích thích, dễ dàng co bóp và lưu thông tốt.
Minh An