Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc - phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - chủ biên tập bốn của bộ sách - đại diện nhóm tác giả tri ân: "Giáo sư Phan Huy Lê huy động hơn 50 tác giả đầu tư nghiên cứu toàn diện trong nhiều năm về khu vực Nam Bộ để hình thành bộ sách 12 tập. Giải thưởng là cố gắng của tập thể kết hợp sự tổ chức, xây dựng của ông. Thầy Lê qua đời năm 2018, tôi muốn dành tặng giải thưởng như một sự tri ân dành cho ông. Không có ông, chắc chắn không có bộ sách này", ông Ngọc nói.
Bộ sách thực hiện dưới dạng đề án khoa học cấp nhà nước, triển khai từ năm 2008, nghiệm thu năm 2011. Tác phẩm gồm hai tập tổng quan và 10 tập chuyên khảo sâu về điều kiện tự nhiên, quá trình lịch sử, dân cư, dân tộc, tôn giáo và thiết chế quản lý xã hội, hội nhập với khu vực và quốc tế, do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật phát hành. Trước đó, bộ sách được xếp vào Sự kiện Khoa học Công nghệ tiêu biểu năm 2011, đoạt Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu lần tám - năm 2017, thể loại lịch sử. Giáo sư Phan Huy Lê khi đó đại diện nhóm tác giả nhận giải.
Theo ông Ngọc quá trình thực hiện bộ sách gặp nhiều khó khăn. Đề tài về Nam Bộ từng có nhiều nghiên cứu nhưng không hệ thống chuyên sâu, chưa đặt trong mối quan hệ liên ngành nên không tìm ra giá trị đặc trưng của khu vực.
Giải A thứ hai thuộc về bộ sách: Động vật chí Việt Nam (tập 26 đến 31) và Thực vật chí Việt Nam (tập 12 đến tập 21), nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và công nghệ phát hành. Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Khôi - đại diện nhận giải - cho biết tác phẩm là công trình nghiên cứu lớn, nhiều năm của hàng chục tác giả. Năm 2008, họ bắt đầu đi thực tiễn, thu mẫu, nghiên cứu, xác định tên khoa học và biên soạn. Năm 2016 - 2017 đến khâu biên tập và cho in ấn. "Những tài liệu cơ bản về khu hệ động thực vật Việt Nam, được coi là tài liệu chính thống, để sử dụng vào nghiên cứu, giảng dạy, phục vụ cho việc khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn lợi sinh vật, tính đa dạng sinh học của Việt Nam. Khó khăn lớn nhất là tác giả phải đi thực tế tại vùng núi, biển đảo để lấy mẫu, tư liệu", ông Khôi nói.
Giáo sư Nguyễn Khoa Sơn - Ủy viên Ban chủ nhiệm chương trình khoa học công nghệ cấp Quốc gia về Vũ trụ - thành viên hội đồng xét giải - cho biết quy trình chấm giải chặt chẽ, khách quan dựa trên các tiêu chí chung. Mỗi sách xét giải phải được ba chuyên gia trong ngành đọc, nhận xét và phản biện, giúp hội đồng tìm ra được tác phẩm chất lượng nhất. Hai bộ sách được trao giải A đều là công trình nghiên cứu khoa học đồ sộ, có giá trị khoa học, xã hội và thực tiễn cao được thực hiện trong nhiều năm, của nhiều tác giả lớn.
Ngoài hai giải A, ban tổ chức trao 13 giải B và 12 giải C cho các mảng sách chính trị, kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn, văn hóa, văn học và nghệ thuật, thiếu nhi.
Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ hai diễn ra tại Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ). Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cho biết giải thưởng nhằm ghi nhận và tôn vinh, khích lệ các tác giả, dịch giả, các nhà khoa học. Năm nay, giải có nhiều đổi mới, thu hút sự quan tâm của giới xuất bản, các đơn vị xã hội và bạn đọc.
Giải năm nay quy tụ 42 đơn vị xuất bản, với 355 cuốn sách cho 259 tên sách, có nhiều thay đổi. Ban tổ chức không phân thành hạng mục Sách hay, Sách đẹp với các loại giải Vàng, bạc, đồng, khuyến khích mà chỉ có một giải Sách Quốc gia, phân hạng A, B, C.
Tuy nhiên, chương trình trao giải diễn ra còn tẻ nhạt. Ở các màn xướng tên nhận giải, đại diện tác giả và nhà xuất bản không được phát biểu. MC lần lượt đọc tên sách trúng giải, đại diện lên nhận bằng khen, cúp và chụp hình lưu niệm rồi đi xuống.
Giải Sách Quốc gia do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức thường niên từ năm 2004 với tên Sách Việt Nam. Năm ngoái, giải lần đầu mang tên Sách Quốc gia, trao cho 35 tác phẩm, trong đó 22 Sách hay, 13 Sách đẹp.
* Kết quả giải Sách quốc gia 2019
Hoàng Huế