Sách do Nhà xuất bản Trẻ ra mắt hôm 24/8, gồm hai phần: tạp bút và biên khảo. Tác giả phác họa bức tranh về đời sống, văn hóa, chuyện học hành của Sài Gòn - Chợ Lớn cách đây gần nửa thế kỷ. Nhà văn gợi lại một phần ký ức tuổi thơ của chính ông, từ những tiệm chạp phô (tạp hóa), miếng kẹo mạch nha đến các vở cải lương kinh điển.
Trong phần biên khảo, nhà văn tìm lại mạch ngầm văn hóa, văn nghệ ở Sài Gòn một thời. Ông viết: "Đêm nào đó ngồi giữa Sài Gòn chợt nghe tiếng hát Khánh Ly, Thanh Thúy... vang lên từ chiếc máy Akai. Chợt nhớ những phòng trà vang danh các giọng ca sầu mị, với các tình ca dịu dàng. Những giọng ca đi ra và lớn lên từ phòng trà, sàn gỗ, tạo dựng âm thanh, làm nên những đêm Sài Gòn mang màu trừu tượng...".
Nhà văn có lối viết mượt mà, nhiều tình cảm, cộng thêm nhiều tư liệu. Với ông, văn hóa Sài Gòn không thể thể thiếu những giọng ca, lời nhạc, vở cải lương một thời. Tác giả cho rằng văn học nghệ thuật đã góp phần làm nên một phần bản sắc thành phố này, với những bản vọng cổ, vở cải lương chỉ cần ca lên - như Trăng thu dạ khúc - đã gợi nhớ tuổi thơ xưa.
Ông cũng dành một phần cuốn sách viết về Sài Gòn những ngày giãn cách. Ông nhớ những tiếng rao vặt phát qua loa điện, như "Bánh mì nóng đây, bánh mì đặc ruột đây". Ông miêu tả: "Trong suốt những ngày giãn cách, nhất là ngày đầu, buổi sáng, bỗng dưng tôi thức dậy sớm, không gian như rơi vào cõi thinh không tưởng chừng như thính giác đã hỏng. Không nghe một tiếng động, một tiếng xe từ ngoài đường cái dội vào... Tất cả đều ngủ. Im. Không một tiếng ngáy. Chưa bao giờ âm thanh lại đi vắng một cách lạnh lùng như thế".
Lê Văn Nghĩa qua đời ở tuổi 68 hôm 25/7 vì ung thư. Ông học tiểu học trường Bình Tây (nay là trường tiểu học Nguyễn Huệ, quận 6), học trung học trường Petrus Ký (nay là trường chuyên Lê Hồng Phong, quận 5). Ông tham gia phong trào học sinh - sinh viên yêu nước xuống đường đấu tranh trước năm 1975, bị bắt giam, từng bị đày ra nhà tù Côn Đảo.
Chặng đầu vào nghề, Lê Văn Nghĩa hoạt động báo chí, từng là Phó Tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, phụ trách Chủ biên báo Tuổi Trẻ Cười, với các bút danh nổi tiếng: Điệp viên Không Không Thấy, Thằng Hề, Hai Cù Nèo, Đại Văn Mỗ... Làm báo và viết văn, ông được nhiều đồng nghiệp đánh giá là cây bút trào phúng hàng đầu của nền báo chí và văn học Việt Nam đương đại. Những tập truyện chứa hồi ức thời niên thiếu của ông ở Sài Gòn - Chợ Lớn đầu thập niên 1960 được bạn đọc nhiều thế hệ mến mộ.
Ông từng ra mắt các ấn phẩm, đều do NXB Trẻ ấn hành, như: Mùa hè năm Petrus (tập truyện, 2012), Chuyện chán phèo (tập truyện trào phúng, 2013), Nếu Adam không có xương sườn (sưu tầm, bình luận, 2015), Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (tập truyện, 2015), Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (tập truyện, 2016), Nỗi buồn đàn ông (tập truyện trào phúng, 2017).
Những năm cuối đời, dù chống chọi bạo bệnh, ông vẫn làm việc để ra mắt các tập sách: Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ (NXB Trẻ, 2020), Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (NXB Trẻ, 2018), Văn học Sài Gòn 1954 - 1975 những chuyện bên lề (NXB Tổng Hợp TP HCM, 2020).
Tam Kỳ