Triển lãm Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn khai mạc sáng 23/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật, TP HCM. Bà tốt nghiệp thủ khoa khóa học 1927 - 1932 của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nổi tiếng trong giới mỹ thuật Đông Dương vào những năm 1930. Năm 1940, bà theo chồng qua Pháp định cư, hầu hết tác phẩm của Lê Thị Lựu được lưu giữ tại Pháp.
Năm 2018, vợ chồng cháu trai của cố họa sĩ - ông Lê Tất Luyện và bà Thụy Khuê - quyết định đưa các tác phẩm của bà về tặng bảo tàng Việt Nam, và trưng bày, bảo quản bộ sưu tập tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Bộ sưu tập gồm hai phần, phần một có 18 tác phẩm chất liệu lụa, sơn dầu và hai bản sao chụp tác phẩm. Phần hai gồm chín tác phẩm lụa, sơn dầu, trong đó có một bức do chồng Lê Thị Lựu - ông Ngô Thế Tân sáng tác. Các tác phẩm được vẽ trong thời gian 1940 - 1988, những năm họa sĩ sống và làm việc ở Pháp đến cuối đời.
Buổi khai mạc có sự góp mặt của nhà phê bình mỹ thuật Thụy Khuê - cháu dâu cố họa sĩ. Theo bà, tranh Lê Thị Lựu có nét tươi sáng mà thoảng buồn. Chủ đề nổi bật trong tranh cố họa sĩ là thiếu phụ, thiếu nữ và thiếu nhi, chẳng hạn: em bé hái hoa biếu mẹ, thiếu nữ cõng em rong chơi, thiếu phụ bồng con... Vẻ đẹp người phụ nữ trong tranh bà hiện lên theo "khuôn vàng thước ngọc" như mặt trái xoan, đôi mắt huyền... Bà từng vẽ tranh sơn dầu. Sau đó, nhận ra tranh lụa có thể diễn tả sự mong manh, tinh tế của chủ thể, bà học cách giao thoa giữa kỹ thuật vẽ tranh lụa và tranh màu nước.
Theo Thụy Khuê, tranh Lê Thị Lựu gợi mở một không gian Việt Nam thời tiền chiến. "Người nghệ sĩ ấy đã sống trong khoảng trời Việt Nam đầu thế kỷ và đã khuất ly đất nước vào những năm 1940. Bà đem khí quyển tâm hồn, đem cái hoàng hôn buồn bã rất Hồ Dzếnh ấy nhuộm với vàng thu Paris", Thụy Khuê viết.
Hội đồng Khoa học mở rộng Bảo tàng Mỹ thuật đánh giá, bộ sưu tập có ý nghĩa lớn về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, đồng thời có giá trị kinh tế lớn trên thị trường tranh. Ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM, cho rằng tầm vóc của Lê Thị Lựu không chỉ nằm ở khối lượng tác phẩm lớn, với khoảng 300 bức suốt hơn nửa thế kỷ sáng tác. "Bà còn là giáo sư mỹ thuật đầu tiên của Việt Nam. Với tôi, bà là nghệ sĩ đáng trân trọng về tài năng sáng tác lẫn công tác giảng dạy", ông Mười chia sẻ.
Ngoài việc trưng bày bộ sưu tập, Bảo tàng Mỹ thuật còn xuất bản cuốn Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn của tác giả Thụy Khuê. Sách cung cấp thêm thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của Lê Thị Lựu và một số họa sĩ cùng thời cũng sống và sáng tác ở Pháp.
Họa sĩ Lê Thị Lựu sinh ngày 19/1/1911. Từ nhỏ đến 14 tuổi, bà theo cụ thân sinh đi nhiều nơi như Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Ðịnh, Hải Phòng và Hà Nội. Năm 1927, bà trở thành sinh viên Trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Ðông Dương khóa 3. Năm1930, bà trưng bày hai tranh sơn dầu trong cuộc triển lãm chung đầu tiên của trường: Chân dung ông Hai và Thiếu nhi vườn chuối. Năm 1932, bà tốt nghiệp thủ khoa.
Năm 1933, bà là giáo sư, dạy các trường Trung học Bảo Hộ (Bưởi), Nữ sư phạm (Hàng Bài), Ðăng Ten (Ecole dentellière), Hồng Bàng (tư thục). Năm 1934, bà thành hôn với ông Ngô Thế Tân. Năm 1935, bà chuyển vào Sài Gòn, dạy trường Trung học Áo Tím (nay là Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai).
Năm 1940, bà cùng chồng sang Paris, Pháp. Từ đó đến năm 1954, bà vẽ rất ít vì con còn nhỏ. Năm 1957, bà trưng bày tranh thường xuyên ở Galerie Le Chapelin, 41 Faubourg Saint Honoré, Paris. Sau đó, bà bày tranh tại Hội liên hiệp nữ họa sĩ, điêu khắc và chạm trổ và đoạt giải nhất, trở thành thành viên của hội. Từ năm 1962, bà giảng dạy ở các trường Lycée Corot, Paris; Lycée Rodin Paris và Lycée d’Orsay (ngoại ô Paris). Năm 1971, bà cùng chồng nghỉ hưu tại miền Nam nước Pháp. Năm 1988, bà qua đời.
Mai Nhật