Ngày 9/7, bác sĩ Tạ Quốc Hưng, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết môi bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng như sưng phù, nóng rát, hoại tử với nhiều mụn mủ, da ửng đỏ, nứt nẻ, chảy máu nhẹ. Nguyên nhân là bị tắc mạch do tiêm chất làm đầy.
Bác sĩ rạch tháo mủ, lấy mẫu xét nghiệm kháng sinh đồ. Bệnh nhân phải dùng hai loại kháng sinh mạnh để kiểm soát nhiễm trùng và thuốc kháng virus nhằm ngăn ngừa tình trạng Herpes môi bùng phát.
Tiêm filler (chất làm đầy) là một thủ thuật thẩm mỹ ngoại khoa, có thể gây những biến chứng. Có hai nhóm biến chứng do tiêm filler là liên quan đến kỹ thuật tiêm hoặc sử dụng loại chất không được cấp phép. Trong đó, biến chứng do kỹ thuật tiêm nặng nề nhất là gây tắc mạch máu não, nhồi máu não, tắc mạch võng mạc gây mù, tắc mạch máu ở da dẫn đến hoại tử da.
Với nhóm biến chứng thứ hai, silicon lỏng hoặc chất làm đầy không rõ nguồn gốc, không được xử lý tốt có thể ngấm vào mô, gây viêm tấy, kích ứng, nhiễm khuẩn, tạo viêm, xơ, loét. Tình trạng này có thể xuất hiện sớm hoặc muộn sau tiêm tùy từng bệnh nhân.
"Môi là bộ phận khá nhạy cảm và khó điều chỉnh, nếu lựa chọn chất làm đầy không phù hợp hoặc tiêm sai kỹ thuật sẽ dễ gây tai biến", bác sĩ Hưng nói.
Tai biến do tiêm filler môi, thường gặp như sưng nề kéo dài, nhiễm trùng môi, nốt cục không đều, môi méo mó biến dạng, nguy hiểm nhất là hoại tử môi do tắc mạch máu. Nguyên nhân là người thực hiện tiêm môi không phải là bác sĩ hoặc không được đào tạo chính quy về tiêm môi thẩm mỹ, thuốc tiêm kém chất lượng, chăm sóc môi không đúng cách.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ tai biến sau tiêm môi thẩm mỹ như đau nhức nhiều, sưng nề kéo dài, chảy máu, môi tím tái hoặc trắng bệch, xuất hiện vón đóng cục không tan được, cần đến viện khám để xử lý kịp thời.
Minh An