Bệnh nhân tiêm filler tại một spa của người quen. Một giờ sau, chị đau vùng tiêm kèm dấu hiệu thiểu dưỡng xung quanh vùng cánh, sống mũi, lan ra quanh miệng bên trái và một phần vùng trán. Sau đó, bệnh nhân được tiêm thuốc tan tại spa, song tình trạng không cải thiện mà còn xuất hiện thêm mụn nước xung quanh vị trí tiêm.
Đến Bệnh viện Da liễu Trung ương hôm 16/4, sau 4 ngày làm thủ thuật, bệnh nhân được chẩn đoán biến chứng tắc mạch sau tiêm liller do kỹ thuật tiêm không đúng bởi người không có chuyên môn. ThS.BS Tạ Thị Hà Phương, khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, cho biết bệnh nhân được điều trị kháng sinh, chăm sóc tại chỗ cùng hỗ trợ tâm lý, song vẫn có thể gặp những di chứng về sau.
Filler là một biện pháp thẩm mỹ nội khoa được thế giới công nhận, giúp làm đầy khiếm khuyết trên khuôn mặt như trũng mắt, trũng lệ, hõm thái dương, cằm ngắn, cằm lẹm... để gương mặt đầy đặn, tròn trịa hơn. Ngoài ra, phương pháp này giúp phụ nữ vào tuổi lão hóa điều trị da mặt nhăn, làm da căng bóng.
Tuy nhiên, không phải tất cả cơ sở làm đẹp đều đảm bảo chất lượng và an toàn. Bệnh viện Da liễu Trung ương liên tục tiếp nhận các trường hợp biến chứng sau khi tiêm liller từ những cơ sở "chui" với kỹ thuật viên không được đào tạo bài bản, thậm chí không có kiến thức y học.
Bác sĩ Hà Phương cho biết tiêm filler là một phương pháp làm đẹp không cần đến phẫu thuật, thực hiện tại phòng khám dễ dàng, không gây mê hoặc gây tê, được coi là an toàn với cơ thể. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi thực hiện tại các cơ sở y tế có chuyên môn và uy tín. Biến chứng do tiêm filler có thể chia làm 2 nhóm chính: liên quan đến kỹ thuật tiêm và sử dụng chất làm đầy không được cấp phép. Trong đó, biến chứng do kỹ thuật tiêm nghiêm trọng nhất có thể gặp phải là tiêm vào mạch máu.
Người dân khi làm đẹp cần chọn cơ sở uy tín, có chuyên môn đã được thẩm định bởi các cơ quan có thẩm quyền, sử dụng những loại thuốc tiêm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh gặp phải các biến chứng.
Lê Nga