Tôi sửng sốt rồi trở nên tức giận khi thấy họ thông báo rằng, gia đình tôi phải đổi chuyến bay từ buổi trưa sang sáng sớm và phải check-in lúc 4 giờ sáng. Nghĩ đến việc đã mất cả ngày trời để cân nhắc, xem xét giờ bay của các hãng hàng không khác nhau sao cho thuận tiện nhất với việc ngủ nghỉ, ăn uống của bọn trẻ, rồi mới quyết định đặt vé, tôi càng cảm thấy bức xúc với cái email thông báo đổi giờ bay vô trách nhiệm của họ.
Ngay lập tức, tôi viết email lại, nhắc họ về việc chúng tôi đi với hai đứa trẻ con vẫn đang trong cái tuổi mà ăn - ngủ là chuyện quan trọng hàng đầu. Chúng tôi không muốn bọn trẻ phải thức dậy lúc tinh mơ để ra sân bay. Lựa chọn giờ giấc chuyến bay của chúng tôi là lựa chọn có chủ đích chứ không phải là một cú click vô ý thức. Tôi đã yêu cầu họ chuyển sang một chuyến bay có giờ giấc hợp lý hơn, nếu không, tôi buộc họ phải hoàn tiền để tôi tìm mua vé ở một hãng khác.
Hôm qua, tôi nhận được thư xin lỗi của họ, đồng thời nêu ra mấy phương án cho tôi lựa chọn. Cuối cùng, trong những phương án họ đưa ra, tôi cũng chọn được một chuyến bay phù hợp với gia đình.
Một lần khác, tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất đúng giờ quy định xếp hàng chờ check-in. Khi nghe tôi nói tên chuyến bay, cô nhân viên bảo: chuyến bay này đóng cửa sớm, chị vui lòng đổi vé đón chuyến bay sau. Tôi rất ngạc nhiên vì mình đến rất đúng giờ để check-in. Tôi bực tức vì thấy bị đối xử không công bằng, thiếu minh bạch nên đòi gặp cấp trên. Anh này không một lời giải thích, chỉ xua tay bảo tôi “chị ra quầy kia đổi vé đi, không mất tiền đâu”. Nhưng tiền không phải là vấn đề ở đây. Vấn đề là tôi không làm gì sai, tôi đến sân bay đúng giờ, chuyến bay của tôi cũng sẽ bay đúng giờ, sao tôi lại không thể lên máy bay?
Hoá ra, trên chuyến bay hôm ấy có những hành khách đặc biệt. Vì họ đặc biệt nên hãng hàng không sẵn sàng vứt bỏ lợi ích của những hành khách bình thường khác. Đó là điều không thể chấp nhận được, với tôi. Tôi không cần biết những hành khách đặc biệt ấy là ai, trước một chuyến bay, một hãng bay, tôi và họ bình đẳng, đều xứng đáng được tôn trọng như nhau. Tại sao tôi phải hy sinh thời gian của tôi vì sự thiên vị dành cho họ?
Cuối cùng thì hãng hàng không nọ cũng buộc phải đáp ứng các yêu cầu mà tôi, với tư cách là một khách hàng, có quyền đòi hỏi.
Tôi tin là chuyện tôi vừa kể không có gì hi hữu, thậm chí nhan nhản, ai cũng có thể từng trải qua. Điểm khác biệt là khi đứng trước một chuyện như thế, bạn làm gì: tặc lưỡi hay lên tiếng?
Trước đây tôi cũng từng là một người dễ dàng tặc lưỡi, đơn giản là vì tặc lưỡi có vẻ dễ hơn. Chẳng cần ai dạy, tôi cũng tự biết cách tặc lưỡi thoả hiệp, nhất là trong một xã hội mà người ta luôn nhắc nhau “một điều nhịn, chín điều lành”. Cứ im lặng bỏ qua có vẻ như là cách ứng xử được ưa chuộng nhất, dễ được lòng nhất. Nhưng sau khi đã làm mẹ, tôi buộc phải cân nhắc kỹ việc tặc lưỡi hay lên tiếng, vì quyết định của tôi không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của tôi mà còn là của các con tôi.
Trở thành mẹ khiến tôi ý thức rõ rằng tôi phải học được cách cất lên tiếng nói của mình để bảo vệ con cái trước những bất công. Quan trọng hơn, tự thân việc lên tiếng của tôi sẽ khuyến khích các con tôi sớm mạnh dạn bày tỏ chính kiến của chúng trước những vấn đề của nhà trường, cộng đồng, xã hội.
Không phải sự lên tiếng nào cũng có lý, nhưng bất kỳ sự lên tiếng nào cũng xứng đáng được lắng nghe. Tương tự, không phải sự lên tiếng nào cũng dễ dàng mang lại kết quả mong đợi, như trong các câu chuyện của tôi. Có những sự bày tỏ ý kiến khiến bạn phải trả giá nhưng tôi tin, đó vẫn là cách tích cực nhất để chứng minh sự hiện hữu của bản thân cũng như tìm ra đáp án cho mọi câu hỏi.
Bởi thế, dẫu tặc lưỡi là động tác dễ dàng còn lên tiếng là việc không đơn giản, tôi vẫn chọn lên tiếng, như một lẽ đương nhiên.
Nguyễn Thị Thanh Lưu