Nhà làm phim Ấn Độ Janaki Lenin hôm 22/6 đăng hình ảnh xác tắc kè hoa chết khô bám trên ống nước cũ ở trang trại của gia đình trên Twitter, Livescience đưa tin. "Câu chuyện bi kịch của một con tắc kè hoa", Lenin viết. "Nó hẳn nhớ từng uống nước ở đây mấy năm trước. Chúng tôi đã cắt nước mất rồi".
Lenin khẳng định đây là hình ảnh thật vì người ngoài không được phép vào trang trại. "Người dân địa phương sẽ không động đến tắc kè hoa vì cho rằng chúng có độc. Chồng tôi là một nhà nghiên cứu bò sát có kinh nghiệm phân biệt thật giả", Lenin nói thêm.
Theo Alan Resetar, giám đốc phụ trách bộ sưu tập Bò sát và Lưỡng cư tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Field, Chicago, Mỹ, nhiều khả năng ánh sáng Mặt Trời mạnh kết hợp nhiệt độ cao và gió khô làm mất độ ẩm trong xác tắc hè hoa và đẩy nhanh quá trình con vật bị ướp xác một cách tự nhiên.
Hai lỗ nhỏ trên da tắc kè được Lenin phát hiện, nhiều khả năng do kiến gây ra khi ăn nội tạng của con vật. Hành vi này của kiến góp phần thúc đẩy quá trình ướp xác, theo National Geographic.
Theo các chuyên gia, xác động vật chứa nội tạng có thể được bảo quản một cách hoàn hảo khi trời đủ nóng và khô để nhanh chóng loại bỏ nước và hơi ẩm. Năm 2003, các nhà khoa học phát hiện xác một con cóc châu Phi được ướp tự nhiên với đầy đủ nội tạng gần hồ cạn nước ở Niger.
Nhiệt độ cao hơn mức thông thường có thể giết chết động vật, đặc biệt là những loài máu lạnh. Tuy nhiên, xác động vật được ướp một cách tự nhiên như con tắc kè hoa này rất hiếm khi xảy ra, theo Resetar.
Vũ Phong