Các nhà khoa học ghi hình khoảnh khắc cuối cùng của một con cái thuộc loài tắc kè hoa Labord (Furcifer labordi) trong rừng Kirindy, phía tây Madagascar, Live Science hôm 24/1 đưa tin. Đây là một trong những loài động vật có xương sống 4 chân có tuổi thọ ngắn nhất từng ghi nhận. Chúng chỉ sống 4 - 5 tháng sau khi nở. Thời gian chúng phát triển bên trong trứng thậm chí còn dài hơn, khoảng 8 - 9 tháng.
"Tắc kè hoa cái dành toàn bộ sức lực để tạo ra những quả trứng. Khi nằm dưới lòng đất, trứng cần vượt qua đợt hạn hán kéo dài. Tắc kè hoa chết chỉ vài tiếng sau khi đẻ trứng vì đã gần như kiệt quệ", nhà khoa học Chris Raxworthy và nhà sản xuất chương trình Valeria Fabbri-Kennedy cho biết.
Trong chương trình Big Little Journeys, các chuyên gia theo dõi một con tắc kè hoa Labord cái khi nó đẻ trứng và phủ đất cát lên để bảo vệ trứng khỏi tác động của mùa khô sắp tới. Họ lắp đặt camera time-lapse và quay lại sau vài giờ để kiểm tra. Lúc này, tắc kè hoa đã chết.
"Khi xem lại thước phim, chúng tôi kinh ngạc và xúc động trước cảnh tượng đầy màu sắc mà camera quay được. Các nhà khoa học chưa từng quan sát điều này ngoài tự nhiên trước đây", Fabbri-Kennedy và Raxworthy cho biết.
Da tắc kè hoa đổi màu nhờ giãn ra và co nhỏ những tế bào đặc biệt chứa các tinh thể nano, quá trình này làm thay đổi cách chúng phản xạ ánh sáng. Trong khi chết, các tín hiệu thần kinh tiếp tục truyền đi và thay đổi hình dạng của tế bào da, tạo ra những họa tiết màu sắc hỗn loạn như trong thước phim.
Chiến lược sinh tồn khắc nghiệt, trong đó con cái chết sau khi đẻ trứng, được sử dụng ở nhiều loài vật, bao gồm bạch tuộc và bướm đêm. Với tắc kè hoa Labord, con đực cũng chết trước mùa khô do đã dồn hết sức lực để chiến đấu giành cơ hội sinh sản. Điều này đồng nghĩa, khoảng 2/3 thời gian trong năm, toàn bộ cá thể của loài này tồn tại trong những quả trứng vùi dưới đất. Tắc kè hoa Labord trưởng thành không tiến hóa để sống qua mùa khô.
Thu Thảo (Theo Live Science, PBS)