Nghiên cứu được công bố ngày 20/10. Theo Odessa Hamilton, tiến sĩ tại Đại học London, tình trạng thiếu ngủ có thể xảy ra trước chứng trầm cảm. Các chuyên gia đã xem xét dữ liệu di truyền sức khỏe từ hơn 7.000 người tham gia Nghiên cứu Lão hóa Anh (ELSA), kết luận cả thời lượng ngủ và chứng trầm cảm đều có tính di truyền một phần. Các công trình trước đây cũng chỉ ra rằng sự khác biệt về di truyền chiếm 40% yếu tố làm nên sự khác biệt về thời lượng ngủ.
Theo các chuyên gia, những tình nguyện viên có xu hướng ngủ ngắn hơn về mặt di truyền (dưới 5 tiếng mỗi đêm) nhiều khả năng phát triển bệnh trầm cảm trong vòng 4 đến 12 năm. Tuy nhiên, những người dễ bị trầm cảm về mặt di truyền thường không gặp vấn đề giấc ngủ.
Nhìn chung, người tham gia nghiên cứu ngủ trung bình 7 tiếng mỗi đêm. Hơn 10% tình nguyện viên ngủ ít hơn 5 giờ vào đầu nghiên cứu. Con số sau đó tăng lên 15% khi nghiên cứu kéo dài. Đến cuối nghiên cứu, tỷ lệ người tham gia được phân loại là có triệu chứng trầm cảm tăng từ 9% lên 11%.
Những người ngủ từ 5 tiếng trở xuống có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn 2,5 lần. Ngược lại, những người mắc bệnh trầm cảm có thời gian ngủ ít hơn khoảng một phần ba so với số khác.
Những phát hiện mới chỉ ra một bức tranh ảm đạm của người phải vật lộn với chứng rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, Hamilton cho rằng không nên coi mất ngủ và trầm cảm là hệ quả không thể tránh khỏi. Nghiên cứu mới chỉ có vai trò nhấn mạnh tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sức khỏe tinh thần. Ông khuyến nghị mọi người ưu tiên giấc ngủ, tránh trì hoãn việc ngủ.
"Có một câu nói phổ biến trong di truyền học, là gene là viên đạn còn môi trường là cò súng. Bạn có thể có khuynh hướng di truyền với một điều, nhưng vẫn có thể từng bước khắc phục rủi ro bằng lối sống hàng ngày", ông nói.
Thục Linh - Lập Nguyễn (Theo Guardian)