Hà Linh -
Tôtem sói là câu chuyện của nhân vật chính Trần Trận trong khoảng 11 năm anh sống trên cao nguyên Nội Mông thời Cách mạng văn hóa. Qua biểu tượng về loài sói được đề cập đến trong tác phẩm, nhà văn bộc lộ rõ tư tưởng: sói tàn bạo sẽ lấn lướt loài cừu hèn nhát; văn hóa du mục mang máu sói sẽ vượt trội văn hóa canh nông mang máu cừu. Tộc Hán - dân tộc chiếm đa số tại Trung Quốc - theo ông, đang dần trở thành một bầy cừu dễ bảo và do đó cần học tập loài sói để vươn lên một cách mạnh mẽ.
Ngay sau khi ra đời, cuốn sách được đón nhận nồng nhiệt, không chỉ ở Trung Quốc mà cả ở nhiều nước phương Tây. Hơn 2,6 triệu bản hợp pháp và 17 triệu bản sách lậu đã được tiêu thụ ở Trung Quốc kể từ 2004. Random House bỏ ra 20.000 euro (hơn 490 triệu đồng) mua bản quyền xuất bản sang tiếng Đức. Penguin Books bỏ ra 100.000 USD (1,6 tỷ đồng) để giành quyền xuất bản tiếng Anh. Bản tiếng Anh này sẽ được ấn hành vào 27/3 tới. Peter Jackson, đạo diễn phim Chúa nhẫn, cũng đã mua được bản quyền chuyển thể cuốn sách thành phim. Mới đây, Tôtem sói là tiểu thuyết được vinh danh trong lễ trao giải Man Asian đầu tiên - giải thưởng được coi là Booker của châu Á.
Nhà văn Lu Jiamin và cuốn "Tôtem sói". |
Tuy đạt được những thành công vang dội, nhưng tác giả cuốn sách vẫn mai danh ẩn tích suốt một thời gian dài. Kệ mọi lời phỏng đoán, ông giấu tên thật, ít tiếp xúc với báo chí. Nếu buộc phải trả lời phỏng vấn, ông cũng yêu cầu phóng viên chỉ được chụp ảnh từ phía sau.
Nhưng với một tác phẩm giàu tính tự truyện, Khương Nhung không thể tiếp tục cuộc sống ẩn mình. Nhà văn vừa lộ diện trong một cuộc trả lời hãng tin AFP.
"Linh hồn của Tôtem sói có thể tóm gọn trong 5 ý: Tự do, độc lập, sự đua tranh, sự bền bỉ và tính đồng loại", nhà văn nói.
Lu là giáo sư kinh tế chính trị học đã nghỉ hưu. Hơn ai hết, ông là người biết rõ giá trị của tự do. Nhà văn từng phải vào tù vì tham gia biểu tình trong biến cố Thiên An Môn diễn ra vào 6/4/1989.
"Tôi bị giam một năm rưỡi. Lúc đó, tôi bị coi là 'phần tử phản cách mạng tính cực' - một tội rất nghiêm trọng. Vì thế, sau khi ra tù, tôi không thể kiếm được việc làm", nhà văn kể lại.
Khương Nhung thai ngén Tôtem sói suốt 20 năm trời và mất 6 năm để hoàn thiện tác phẩm. Nhưng ông biết, với cái mác "phản cách mạng" dính vào người, ông không thể nào xuất bản cuốn sách bằng tên thật của mình. Bút danh Khương Nhung đã ra đời vì vậy.
"Ban đầu, mọi chuyện dường như không có vấn đề gì cả. Nhưng mọi người dần dà đều biết câu chuyện của tôi. Tất cả đầy rẫy trên Internet", ông nói.
Tiểu thuyết gia Lu Jiamin. |
Tương tự như mọi cuốn sách thành công khác ở Trung Quốc, Tôtem sói cũng tạo ra hàng loạt cuộc tranh cãi.
Trong khi các nhà phê bình thủ cựu coi Lu là một tên phát xít, thì lãnh đạo các doanh nghiệp lớn như tập đoàn sản xuất thiết bị điện tử Haier lại coi cuốn sách như một "bảo bối" để giúp nhân viên có động lực làm việc.
"Tại các diễn đàn trên mạng, người ta đặt ra câu hỏi là tại sao đảng không kiểm duyệt cuốn sách. Nó không bị cấm. Một lý do đơn giản là Trung Quốc ngày nay đã có sự tự do nhất định", nhà văn nói.
Lu cho biết, ông đặc biệt hâm mộ tiểu thuyết gia người Mỹ Jack London - một nhà văn cũng viết về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Lu tiết lộ, ông muốn viết thêm nhiều tác phẩm nữa.
Dù Tôtem sói đã được các nhà xuất bản ở 26 quốc gia mua bản quyền, nhưng Lu không thể tham gia các chương trình quảng bá sách ở nước ngoài. Ông không được cấp hộ chiếu kể từ sau sự kiện năm 1989.
"Tôi không thể ra nước ngoài, không thể xuất hiện trước công chúng. Đó là một vấn đề nhạy cảm", nhà văn nói.
(Nguồn: AFP, CBC)