“Dưới những ngón tay tôi” - tùy bút của Hà Quang Minh, nhà báo, "người viết ca khúc" (như cách anh tự nhận) - ra mắt chiều 6/6 tại Hà Nội. Cuốn sách tập hợp 28 chân dung của các nghệ sĩ nổi tiếng: từ Mỹ Linh, Hồ Ngọc Hà, Mai Khôi, Lê Khánh, Khánh Thi, người đẹp Xuân Lan, Ngọc Khánh cho tới các nhạc sĩ Bảo Chấn, Đức Trí, Tuấn Khanh, Ngọc Châu, Đỗ Bảo, họa sĩ Tạ Tỵ, đạo diễn Lưu Huỳnh, Lê Hoàng, nhà thơ Du Tử Lê...
Xuất hiện tại buổi ra mắt sách, Mai Khôi hồn nhiên, lý lắc với hai chỏm tóc buộc cao nhưng vẫn lộ nét xinh đẹp, ngọt ngào. Mai Khôi là nhân vật chính trong bài viết “Dưới cánh hồng/ Môi, tố nữ” của Hà Quang Minh - một trong những chân dung đẹp nhất mà anh vẽ ra: “Khôi chính là một tố nữ của đời, một tố nữ mà trong em tôi thấy tất cả những tố - nữ - đã - từng. Từ Hồ Xuân Hương ngày xưa cho tới Thúy An hôm nào (…) Tôi nhận thấy ở đó là một tố nữ muốn yêu, khao khát được yêu và sẵn sàng tận hiến cho tình yêu như thể từ ngày sinh ra, phận số đã khắc trên xương em một chữ ‘Tình’. Thế nên đôi mắt Khôi lúc nào cũng long lanh, ươn ướt như thế. Mà đàn bà mắt ướt là đàn bà rất lụy chữ tình”. Hà Quang Minh tiết lộ, nếu nhìn thật kỹ, ở trong Khôi có một sức sống rất lạ, rất đàn bà, mà phụ nữ giàu sức sống, nhiều khát vọng và tất nhiên có nhan sắc, đối với anh đó là tố nữ.
Mai Khôi cười giòn tan trước cách gọi của Hà Quang Minh dành cho cô. “Khôi thấy cũng... là lạ. Không biết khi Mai Khôi thành một tố nữ như lời anh Minh thì trông sẽ ra sao? Nghe từ 'tố nữ', Khôi nghĩ phải rất là đẹp, còn Khôi, thỉnh thoảng… Khôi đâu có đẹp”. Nữ ca sĩ nói rồi lại cười tươi khoe “cánh hồng/môi” như phát hiện của Hà Quang Minh. Mai Khôi chia sẻ, cô thấy Hà Quang Minh như vẽ một bức tranh về mình, bằng những con chữ rất đẹp.
"Khôi với anh Hà Quang Minh có quãng thời gian quen biết nhau khá lâu, từ năm 2004, khi Khôi vừa phát hành CD đầu tiên, anh Minh khi đó cũng viết một bài báo. Hai anh em ít gặp nhau nhưng vẫn dành tình cảm trân quý cho nhau. Điều khiến Khôi ấn tượng nhất trong bài viết của anh Minh, đó là anh nhắc đến ca khúc mà Khôi hát cho anh nghe ("You and I"). Đó cũng là kỷ niệm đầu tiên giữa hai người. Khi đó, anh Minh đến nhà Khôi, sẵn tiện có cây guitar, Khôi hát cho anh nghe thử. Khôi rất xúc động khi anh Minh nhớ điều này, vì anh là người rất tinh tế, luôn góp nhặt những điều nhỏ bé dưới góc nhìn riêng. Bài viết của anh Minh giúp cho Khôi được dịp nhìn lại mình", Mai Khôi chia sẻ.
Về cuốn tùy bút của Hà Quang Minh, nữ ca sĩ nói: “Anh Minh viết rất hay, dùng những từ rất đẹp và đúng về nhân vật. Nó mang đến cho người đọc góc nhìn khác về người nghệ sĩ. Gần đây giới nghệ sĩ thường chỉ được nhìn nhận ở khía cạnh xấu và người ta bàn tán về những chuyện đó rất nhiều. Khôi nghĩ điều đó là không nên, bởi ai cũng có mặt xấu, mặt tốt. Con người ta nói xấu về người khác chẳng qua là đố kỵ, chỉ để nâng mình lên thôi, nhưng cuốn sách của anh Minh làm điều ngược lại, đem cái đẹp đến cho người đọc”.
Buổi ra mắt sách của Hà Quang Minh ngoài Mai Khôi còn có ca sĩ Mỹ Linh, nhạc sĩ Đỗ Bảo, nhạc sĩ Sơn Thạch… Mỹ Linh nói: “Tôi rất xúc động khi đọc chân dung Minh viết về mình. Có những câu chuyện tôi không nhớ nữa, những chi tiết nhỏ, mang đến một góc nhìn khác mà khán giả chưa biết về tôi. Bên cạnh đó, Hà Quang Minh cũng đưa ra những cảm nhận cá nhân, có chi tiết tôi phải bật cười khi đọc, vì quả thực có những thứ mình không chú ý lắm nhưng Minh lại nắm bắt”.
“Chiều nghiêng tóc ngắn” - bài viết của Hà Quang Minh về Mỹ Linh - là tản văn về một buổi cà phê của hai anh em, cuộc gặp ngắn ngủi giữa Sài Gòn khi Mỹ Linh vào đi diễn. Buổi chiều, quán cà phê, dáng ngồi nghiêng, tóc ngắn - Hà Quang Minh từ đó mở rộng suy nghĩ về người ca sĩ đang đối diện mình. Hà Quang Minh cho biết, cho tới lúc rời khỏi quán, bài viết của anh về Mỹ Linh cũng vừa hoàn thiện trong đầu. Mỹ Linh cho rằng, Quang Minh cần bớt thời gian ngồi cà phê hơn, dành thời gian viết nhiều hơn, mang đến nhiều tác phẩm văn chương để tạo cảm hứng cho những người viết trẻ. Hà Quang Minh phản bác, cho rằng anh sẽ viết nhiều hơn, nhưng không bớt thời gian la cà, tán gẫu, vì thực ra, các tác phẩm của anh đơn giản là kể lại những câu chuyện với bạn bè, từ những va đập trong cuộc sống mà thấu hiểu và viết ra. Anh phải gặp họ, phải "chạm" vào họ để cảm được họ. Mỹ Linh nhân cớ đùa: “Ơ, anh Minh anh ấy chạm vào Mai Khôi chứ có chạm vào tôi đâu” khiến cả khán phòng rộ cười.
“Chạm vào” - đó cũng là khởi nguồn cho tên gọi và tinh thần của cuốn sách: “Dưới những ngón tay tôi”. Hà Quang Minh lý giải: “Tôi suy nghĩ rất đơn giản, viết văn hay viết bất kỳ thứ gì mình luôn dùng ngón tay để thực hiện hành động chuyển tải. Đặc biệt tôi rất thích viết tay. Từ đó tôi mới liên hệ với cảm thức mà tôi thích từ xưa tới nay: cảm thức chạm vào. Trong giao tiếp, khi con người ta đi chung nhau một chặng đường, đồng hành một chuyến đi, với cảm thức của thân thể, họ cảm được nhau. Ở đây, không phải tôi đang viết mà tôi chạm vào nhân vật, cảm nhận được hình dáng, vóc dáng đó, tâm hồn đó. Đó là lý do thôi thúc tôi đặt tên cuốn sách như thế”.
Chưa cần đọc từng bài viết, ấn tượng đầu tiên về “Dưới những ngón tay tôi” là sự dụng công của chữ nghĩa, hình ảnh, với những tiêu đề đậm chất thơ: "Lũ rêu, quên, nào phủ lối gạch son", "Cát hoài im, trải lặng, tự bao giờ", "Từng ngón tay mềm, chuốt tơ. Đau", "Cỏ đã ngủ rồi. Còn lại chỉ xanh rêu"... Nhà văn Nguyễn Văn Thọ đánh giá, đây trước hết là một văn bản đẹp, khi mà tác giả của nó - Hà Quang Minh - đã ngắm kỹ càng các chân dung và viết ra với lối văn tài tử (thâm hậu về nghệ thuật chữ). Nguyễn Văn Thọ nói, ông thấy đâu đó dáng dấp văn chương Nguyễn Tuân trong tập tùy bút Hà Quang Minh. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cũng cho rằng, lối thể hiện trong cuốn sách thích hợp với đời sống hiện nay, đi vào chi tiết, chớp lấy cái đẹp trong từng khoảnh khắc. Biên độ đề tài cũng rộng mở với những quan sát tinh tế, hiện đại. Nguyễn Văn Thọ đồng ý với lời nhận xét của Du Tử Lê trong lời đề dẫn cuốn sách, cho rằng Hà Quang Minh đã thể hiện cái tôi của bản thân khá rõ khi viết về các chân dung. Ông đánh giá, viết chân dung mà không giữ vững cái tôi của mình, mà kiêng nể nhân vật thì khó mà chân thực, sắc sảo, giống như bài phê bình không có chính kiến.
Hà Quang Minh cho biết, trong số các chân dung, anh không hẳn chỉ khen. Khi viết về Trương Anh Ngọc với tình yêu Italy một cách mê muôi, đến mức “nghĩ mình là người Italy”, Hà Quang Minh cũng chỉ ra nhược điểm của người bạn. “Giá như anh ấy thể hiện tình yêu nước Việt cũng như thế”. Với Hà Quang Minh, đó là một lời góp ý chân thành. Hay khi viết về người bạn thân Sơn Thạch, anh ví bạn là "dáng núi nằm nghiêng". “Tất nhiên tôi muốn bạn mình phải đứng sừng sững chứ không muốn nằm nghiêng, nhưng tôi viết vậy. Đó là tôi trách bạn, nhưng là trách yêu", Quang Minh nói.
Hà Quang Minh chia sẻ, sau khi xuất bản “Dưới những ngón tay tôi”, anh sẽ không dừng lại. "Tôi cho rằng cái mạch bây giờ của tôi là tùy bút. Tùy bút là những cảm xúc thật của cá nhân, nó không mang tính hình tượng hóa nhiều như tiểu thuyết, truyện ngắn, nhưng lại không quá khô khan như những thể loại báo chí. Hiện tôi có ba tập bản thảo nằm chờ nhưng có lẽ phải sáu, bảy tháng tới mới tiếp tục ra sách". Dù là viết báo hay viết văn, Hà Quang Minh nói: "Mình phải công chính với nghề, công chính với bản thân mình. Tôi không thể viết mà mượn lời người khác. Khi mình thở, đồng thời với nhịp thở đó, mình nói ra lời. Nhịp đi của ngôn ngữ cũng vậy thôi".
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, cha nuôi của Hà Quang Minh, có mặt tại buổi ra mắt sách tiết lộ, ông nhận ra thiên hướng viết trong con người Minh từ khi anh còn bé. "Từng có thời gian, Hà Quang Minh tìm cách trốn chạy nghiệp viết. Nhưng có muốn trốn chạy cũng không nổi và chắc chắn là sẽ còn viết. Có thể kết thúc sẽ là thơ, vì người ta thường làm thơ để chết”, Nguyễn Thụy Kha nhận định.
Tác giả Hà Quang Minh sinh năm 1977, hiện là biên tập viên báo Bóng đá tại TP HCM. Anh đồng thời là người sáng tác nhiều ca khúc và tác giả của những tập thơ ngay từ khi còn niên thiếu: “Với những hiệp sĩ” (1991), “Ngọn lửa bài ca” (1992), “Tiếng chuông đêm” (1992), “Cơn gió Andersen” (1994). |
Kỳ Thư
Ảnh: Đạt Ma