Claude Gendre có ông nội từng là lính Pháp đối địch với Đề Thám những năm đầu thế kỷ 20 tại Yên Thế. Từ những tài liệu của ông nội, tác giả đã tìm hiểu tường tận về cuộc đời và cuộc chiến đấu của vị thủ lĩnh chống Pháp nổi tiếng trong cuốn Đề Thám - một nghĩa sĩ Việt Nam chống lại chế độ thuộc địa Pháp (nguyên tác tiếng Pháp Le Dê Thám (1858-1913) - Un résistant vietnamien à la colonisation francaise, do Nhà xuất bản L‘Harmattan, Paris ấn hành năm 2007).
Gendre kính phục Đề Thám khi đọc nhận xét của viên tướng Pháp Geil trong báo cáo gửi Bộ trưởng Chiến tranh và Bộ Thuộc địa Pháp vào năm 1909: "Đây là kẻ thù dai dẳng nhất mà người Pháp từng biết đến kể từ khi thực hiện cuộc xâm lược". Theo ông, Đề Thám là nhân vật quan trọng và có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam để giữ gìn nền độc lập.
Cuốn sách của Gendre tìm hiểu về tuổi thơ của chàng thanh niên Trương Văn Nghĩa (tên thật của Đề Thám), người có bố vì chống triều đình nên bị bắt và chết trong tù. Do đó, anh phải đổi tên, sống xa quê, được thủ lĩnh chống Pháp là Bá Phúc đỡ đầu rồi cũng tham gia cuộc chiến này.
Từ năm 1885, nghĩa quân Yên Thế hưởng ứng phong trào Cần Vương theo lời kêu gọi của vua Hàm Nghi. Phải mất đến 10 năm, chính quyền thuộc địa của Pháp mới dập tắt được phong trào Cần Vương ở Trung kỳ và Bắc kỳ. Tuy nhiên ở Yên Thế, vùng trung du cách Hà Nội 60 km, cuộc chiến do Đề Thám lãnh đạo vẫn tiếp tục tới 10 năm nữa, khiến người Pháp đau đầu.
Tác giả đánh giá Đề Thám "là một thiên tài về chiến thuật, luôn biết cách thích ứng với tình hình mới". Ông đã sử dụng nhiều chiến thuật trong từng giai đoạn để tiêu diệt kẻ thù, và những khi yếu thế, ông lại giả hàng rồi sau khi khôi phục sức mạnh lại chiến đấu trở lại. Quân của ông cũng sở hữu vũ khí tối tân nhất, dồi dào và phần lớn sản xuất tại Pháp, bởi nghĩa quân dồi dào về tài chính.
Gendre tiếp cận nhiều tài liệu của các nhân vật đương thời như báo cáo của Công sứ Bắc Giang Richy, báo cáo của Chánh binh Demariaux, ghi chép của Đại lý Nhã Nam Alfred Bouchet, hay lời khai của những nghĩa quân bị bắt hoặc kẻ phản bội để mô tả chi tiết cuộc chiến đấu của Đề Thám cho đến ngày cuối.
Sau những nỗ lực của chính quyền Pháp, với thuộc hạ mẫn cán như Lê Hoan, Chofflet, Bonifacy, quân Pháp mới dần triệt tiêu được những vây cánh của Đề Thám. Cuối cùng, theo kế sách của viên Giám đốc Vụ Chính trị thuộc phủ Toàn quyền Jules Bosc, người Pháp đã dùng biện pháp tung gián điệp trá hàng để sát hại thủ lĩnh.
Qua cuốn sách, người đọc biết tường tận cái chết bi tráng của Đề Thám, khi bị nhóm tàn quân cướp người Tàu được Pháp mua chuộc giả xin gia nhập rồi sát hại vào rạng sáng 10/2/1912.
Gendre trích lời Công sứ Bắc Giang Poulin về cái chết của Đề Thám: "Toàn quyền Sarrault đã thắng trong cuộc đấu mà những người tiền nhiệm đã thất bại, cuộc đấu mà Doumer đã phải nhượng cho Đề Thám vùng thượng Yên Thế, nơi những chiến dịch từ năm 1909 không thể tiễu trừ được thủ lĩnh cuộc đấu tranh yêu nước có vũ trang, kẻ dù đã rất suy yếu vẫn là mối liên kết giữa những người làm cách mạng Việt Nam ẩn náu ở Trung Quốc và những người tâm huyết ở Việt Nam".
Nhà sử học Charles Fourniau (1921-2010), trong lời tựa cho cuốn sách, viết: "Tác giả đã cho chúng ta thấy chân dung một con người phi thường và làm sáng tỏ những giai đoạn khác nhau của lịch sử dân tộc Việt Nam".
Claude Gendre là kỹ sư cơ khí nhưng có bằng thạc sĩ văn chương và đam mê lịch sử, nhất là lịch sử liên quan người Pháp ở Đông Dương. Ngoài sách về Đề Thám, ông còn viết về bà Hoàng Thị Thế, con gái của nhà yêu nước này.
Tiên Long