Thoại Hà -
Nhà văn Nguyễn Khải. Ảnh: Phuongnamvh. |
Thời gian qua, tác giả truyện ngắn Mùa lạc phải chiến đấu từng phút với tử thần tại Phòng chăm sóc đặc biệt, Bệnh viện 115. Túc trực bên ông là con cháu và các bác sĩ của bệnh viện.
Anh Nguyễn Khải Hoàn, con trai nhà văn, cho biết, sau một ca mổ tim, nhà văn đã bị nhiễm trùng ổ bụng. Một thời gian dài trước khi trút hơi thở cuối cùng, Nguyễn Khải không thể nói chuyện được, chỉ biểu hiện cảm xúc bằng ánh mắt với người thân và bạn bè. Sau đó, nhà văn rơi vào tình trạng hôn mê sâu.
Lễ nhập quan nhà văn diễn ra vào 9h sáng nay. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN, đã bay vào Sài Gòn chủ trì trang lễ. Lễ viếng bắt đầu từ 12h đến 17h15 ngày 17/1.
Nhà văn Nguyễn Khải tên thật là Nguyễn Mạnh Khải, sinh năm 1930, tại Nam Định. Sau năm 1975, ông sinh sống tại TP HCM. Ông chuyển về Hội Nhà văn Việt Nam với quân hàm đại tá từ năm 1988. Nguyễn Khải từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa 2, 3 và là Phó tổng thư ký khóa 3. Ông là Đại biểu Quốc hội khóa 7.
Ông sáng tác nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, ký sự, kịch. Trong đó, Nguyễn Khải để dấu ấn qua nhiều tác phẩm như: Xung đột (truyện, 2 phần 1959-1962), Mùa lạc (tập truyện ngắn, 1960), Thời gian của người (tiểu thuyết, 1985), Một người Hà Nội (tập truyện ngắn, 1990)... Tác phẩm gần nhất của Nguyễn Khải là tiểu thuyết Thượng đế thì cười (2003), mang giọng văn hồi ký về cuộc đời viết lách của ông.
Năm 1982, Nguyễn Khải nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm. Năm 2000, ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.