Lê Thiếu Nhơn -
Dù ở căn nhà ngày xưa hay ở căn nhà hiện tại, lúc nào trên bàn viết của nhà văn Nguyễn Khải cũng có một trang sách đang mở. Ảnh: Lê Thiếu Nhơn. |
Bởi lẽ, một người tỉ mỉ như Nguyễn Khải, một người biết ngó trước nhìn sau như Nguyễn Khải thì không ai có thể hiểu ông và viết về ông đầy đủ và thuyết phục bằng chính ông. Bây giờ, nhà văn Nguyễn Khải đã vẫy chào "một cõi nhân gian bé tí", nên tôi đắn đo ngồi xuống, viết đôi dòng về ông như một cách bái biệt nhân vật cầm bút mà tôi quý trọng.
Tôi không biết nhà văn Nguyễn Khải thời viết Xung đột, Mùa lạc hay Cha và con và... yêu mến những ai, nhưng chục năm trở lại đây ở Sài Gòn thì ông chơi thân với hai người bạn cùng tuổi: nhà ngôn ngữ Cao Xuân Hạo và nhà báo Trần Đĩnh. Tôi hay bám theo hai tiền bối nhắc trên, nên thường xuyên được tới lui với nhà văn Nguyễn Khải.
Giữa đám đông, Nguyễn Khải luôn nép mình lại, nhưng nói câu nào là thấm thía câu nấy. Đó cũng là cách để ông nhẹ nhàng đến với trang viết và ở lại với trang viết. Những người cùng thế hệ Nguyễn Khải không hiếm khi trực ngôn bảo ông nhút nhát. Cứ ngỡ Nguyễn Khải sẽ giận, sẽ trách, sẽ phân bua, nào ngờ ông khẳng khái thừa nhận bằng một kiểu cười nhè nhẹ.
Trước đây, nhà văn Nguyễn Khải ở một căn nhà đơn giản ở quận 4, TP HCM. Trước nhà có hai cây chuối rất hữu tình như tạo ra không gian cho ông tiếp khách. Rồi con cái của ông khấm khá, xây một căn nhà bề thế, có thang máy để lên từng tầng. Căn nhà mới vừa để ở, vừa để làm kinh tế. Cho nên, muốn liên hệ với nhà văn Nguyễn Khải thì bấm một dãy số rất đẹp và nghe được câu chào: "Đây là tổng đài điện thoại tư gia của nhà văn Nguyễn Khải. Muốn gặp ông Khải bấm số 7... hoặc bấm số 1 để được hướng dẫn thêm".
Có dịp thấy ông đang vui, tôi nửa đùa nửa thật: "Bác có đẳng cấp VIP của văn giới đấy". Ông Khải gật gù: "Con cái nó làm ăn ấy mà. Người hôm nay phải thế, mình đã là người hôm qua rồi!". Trong căn phòng riêng của nhà văn Nguyễn Khải mọi thứ đều trật tự và ngăn nắp, tôi không biết do ông tự sắp xếp hay nhờ bàn tay bà Bắc - vợ ông, nhưng không tiện hỏi. Chỉ có một điều tôi thấy không thay đổi, dù ở căn nhà ngày xưa hay ở căn nhà hiện tại, lúc nào trên bàn viết của nhà văn Nguyễn Khải cũng có một trang sách đang mở.
Nói ra xấu hổ, hai lần tranh thủ ông lúi húi rót nước, tôi đã tò mò hé mắt vào trang sách ấy để xem tác giả tầm cỡ của nền văn chương Việt Nam đọc gì ở tuổi ngoài 70. Lần thứ nhất, thấy đó là cuốn Kinh Dịch. Lần thứ hai, thấy đó là cuốn triết học phương Tây. Dĩ nhiên, ông Khải rất tinh tường, ngay lần thứ hai thì ông biết tôi nhìn trộm nhưng giả vờ như không, để nói vu vơ một câu nghe chột dạ: "Người càng già càng thấy mình bé lại. Lúc tuổi như cậu, mình cũng nghĩ sẽ thành nhà này, nhà nọ, nhưng giờ đây mới biết mình giống như một viên ngói vỡ!".
Lúc ấy, tôi nghĩ ông cố tình tỏ ra khiêm tốn nên cũng mạnh dạn vặn vẹo đôi câu, và được nghe ông lý giải thấu đáo: "Người tài bày tỏ cái tài công khai thì luôn có số phận rất tội nghiệp. Mình chỉ có tài nhỏ và biết tự bảo vệ. Mình chả khoe tài bao giờ, lại biết cách che mặt, ngồi sau, nói nhỏ, chẳng làm ai phải ghen ghét vì mình, tức giận vì mình. Cho nên, so với bạn bè, mình ít bị tai chướng nghề văn nhất".
Tôi không nhớ rõ đã được ngồi đối diện với nhà văn Nguyễn Khải bao nhiêu lần, nhưng không thể quên lần trò chuyện với ông sau khi nhà ngôn ngữ Cao Xuân Hạo qua đời. Chiều Sài Gòn nhập nhoạng khung cửa sổ, tôi nhìn nhà văn Nguyễn Khải phía ngược nắng. Câu chuyện xoay quanh một người vừa khuất bao giờ cũng rất xúc động. Đột nhiên ông bảo: "Thực ra, mình có bốn đứa con, nhưng một đứa đã chết đuối ở sông Hồng...". Tôi sững người, lâu nay tôi cứ tưởng ông chỉ có ba người con, hai trai một gái đang sống cạnh ông thôi chứ. Từ phía ngược nắng, tôi vẫn thấy một giọt nước tràn ra khỏi khóe mắt ông, nhưng ông vội đưa tay lau đi và chữa thẹn: "Cậu thông cảm, người già hay khóc vụng".
Có lẽ bị xao lòng bởi giọt nước mắt ấy mà cũng có lẽ cảm nhận được không dễ gì có cơ hội để khám phá những ngõ ngách tâm hồn một nhà văn kín đáo, tôi chân thành: "Em đã đọc Nghề văn cũng lắm công phu và Thượng đế thì cười được xem như hai cuốn sách tự thuật của bác, nhưng vẫn chưa mường tượng hết chân dung thật sự của bác". Nguyễn Khải xoa hai bàn tay vào nhau, giọng khe khẽ: "Mình vừa viết một cuốn nữa, có tên là Trôi theo tự nhiên để lý giải bản thân".
Tôi tư lự: "Những trang viết mang tính hồi ức của bác, phần lớn theo lối kể chân phương. Nếu có những trang ngả nghiêng, thì chỉ giễu cợt chính tác giả. Cả đời bác không băn khoăn về người nào khác à?". Nguyễn Khải lại xoa hai bàn tay vào nhau, cái ngôn ngữ ấy tôi không hiểu được, nhưng lát sau ông chậm rãi thổ lộ: "Mình cũng có giận một người, một quan chức văn nghệ. Dạo đấy, mình đã viết Xung đột và Mùa lạc, nhưng khi giao lưu với một đoàn khách quốc tế thì ông ấy giới thiệu tất cả mọi người đều là nhà văn, nhà thơ hết sức long trọng, nhưng lại giới thiệu mình vỏn vẹn mấy chữ "một cây bút trong quân đội". Mình tự ái lắm!". Nói xong, ông cười xòa, cái cười của một kẻ tri túc và điềm đạm, cái cười của một kẻ khéo léo và uyển chuyển.
Sau buổi gặp gỡ đáng nhớ ấy không lâu, nhà báo Trần Đĩnh gọi điện cho tôi thông báo ông Nguyễn Khải chấp nhận một cuộc phẫu thuật với mong muốn vượt qua căn bệnh tim đang hành hạ mỗi ngày. Chúng tôi rất hồi hộp. Đáng tiếc, sau ca mổ, nhà văn Nguyễn Khải không trở về nhà nữa. Sức khỏe ông yếu hẳn và chìm vào hôn mê sâu.
Một tuần trước khi mất, nhà văn Nguyễn Khải không nói được. Vậy mà, hình như ai vào thăm thì ông cũng biết, vì nhìn ông thiêm thiếp trên giường bệnh, không khó khăn gì để thấy đôi mắt đã tuyệt vọng khép lại nhưng vẫn còn gắng gượng của ông thỉnh thoảng run run và ươn ướt. Cho đến 19h25 ngày 15/8 thì ông lặng lẽ chia tay "một cõi nhân gian bé tí" ở tuổi 78 mà không hẹn "Gặp gỡ cuối năm" [ 1].