Trong chuyến trở về Việt Nam sau 10 năm xa xứ, ngoài mục đích thăm quê hương, thầy Minh Niệm - tác giả ấn phẩm nổi tiếng Hiểu về trái tim còn giao lưu với độc giả tại buổi nói chuyện chủ đề "Đọc sách để hiểu về trái tim" tại Nhà văn hóa Thanh Niên, TP HCM. Chương trình nằm trong hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 21/4. Nhân dịp này, VnExpress có cuộc trò chuyện với tác giả.
- Từ bao giờ thầy có ý định viết sách?
- Tôi bắt đầu viết từ khi tu thiền, khám phá ra tâm lý của mình. Mục đích ban đầu là viết lại cho mình đọc, qua đó phân tích từng tâm lý cho dễ hiểu và rành mạch. Rồi tôi và diễn viên Chi Bảo có cơ duyên gặp nhau khi anh ấy tìm tôi để tập thiền. Tôi chia sẻ những bài viết của mình cho Chi Bảo và anh rất thích. Chi Bảo dùng những bài viết của tôi thực hiện radio và phát trên website mà anh ấy đang quản lý. Sau đó, anh còn mời tôi cộng tác cho trang web của anh ấy và tôi viết thường xuyên hơn cho chuyên mục Hiểu về trái tim. Những bài viết được bạn đọc yêu thích, nhận phản hồi tích cực khiến tôi nhen nhóm ý tưởng ra một cuốn sách.
- Sau khi cuốn sách ra mắt, thầy tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ bạn đọc như thế nào?
- Sau khi Hiểu về trái tim phát hành, tôi cũng trải qua thời gian đi "tu bụi" qua 25 tiểu bang của Mỹ, mỗi lần đi ngang một thư viện nào đó tôi đều ghé vào để kiểm tra email hoặc đọc tin tức ở trong nước. Có nhiều phản hồi tích cực từ bạn đọc khiến tôi ấm lòng. Tôi cảm nhận, những chia sẻ của mình đã đến với trái tim bạn đọc, được mọi người đón nhận. Đón nhận ở đây không phải vì mình có vị trí gì đó mà vì mình cảm thấy đã đóng góp được một cái gì đó.
Mặc dù bận, tôi rất thích đọc thư độc giả, những lá thư tay khiến tôi thích thú nhiều lắm. Cho nên bạn nào gửi thư tôi đều đọc hết. Chỉ có điều, mỗi bạn tôi chỉ có thể trả lời được vài câu thôi. Trong trường hợp khẩn thiết thì tôi buộc phải ngồi hàng tiếng để viết thư cho các bạn. Tôi cũng hy vọng, trong tương lai có điều kiện về nước hay ở đâu cũng vậy, tôi sẽ đào tạo thế hệ tiếp nối giống như mình. Bởi vì có rất nhiều bạn tài năng hơn mình hoặc có những thao thức giống như mình, tôi muốn giúp các bạn đó có một nền tảng căn bản về thiền hay tâm lý trị liệu để cùng với tôi làm công việc hiện tại.
- Vì sao tất cả bài viết trong Hiểu về trái tim đều được đặt tên bằng hai chữ, ví dụ như: Hạnh phúc, Cô đơn, Tha thứ, Trung dung, Tình yêu, Tạ ơn...?
- Ban đầu, cách đặt tên này đến rất tình cờ. Sau 10 bài viết, tôi nhận ra tên bài nào của tôi cũng chỉ hai chữ. Tôi thấy cũng thú vị nên quyết định giữ như vậy và viết thêm những bài tiếp theo như thế.
Tại thời điểm đó, tôi viết cuốn sách này bằng tất cả khả năng của mình. Tuy nhiên, bây giờ nhìn lại tôi thấy có nhiều chỗ khiếm khuyết. Những điều tôi chia sẻ trong cuốn sách, nó là ngôn ngữ của tôi, tức là tôi tự đọc vào trái tim mình rồi diễn đạt ra cho các bạn chứ không dựa trên những cuốn sách của người đi trước. Phải nói đó là công việc rất khó. Vậy nên cuốn sách đầu tay ấy có những chỗ chưa đạt lắm. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy mình có thể viết tốt hơn.
- Vậy bao giờ thầy sẽ viết tiếp cuốn sách thứ hai?
- Tôi chuẩn bị phát hành ấn phẩm tiếp theo là Nhìn vào bên trong. Đây là cuốn sách mang tính thực hành nhiều hơn. Cuốn Hiểu về trái tim giải thích và phân tích nhiều về tâm lý. Còn ở cuốn này, bạn đọc sẽ tìm thấy cách thực hành, vận dụng nó thế nào. Sách là 100 bước tu thiền, 100 bước để khám phá thế giới nội tâm cho từng trình độ. Nhìn vào bên trong tâm hồn mình sẽ giúp bạn tạo sinh ra được những năng lượng tỉnh thức để rồi bạn sẽ sử dụng năng lượng này cho việc làm chủ bản thân, những việc mà trước đây bạn cố gắng hoài mà vẫn làm không được.
Ngoài ra, tôi đang trong quá trình viết cuốn Từ điển trái tim, có thể xem như là phần hai của Hiểu về trái tim.
- Cuốn "Hiểu về trái tim" khá thành công, thầy gặp áp lực gì khi bắt tay vào phần hai ấn phẩm này?
- Vì độc giả đã ấn tượng với tập 1 rồi nên tập sau mình phải làm độc đáo và hay hơn. Vì vậy, ở Từ điển trái tim, tôi sẽ trình bày những khám phá mới, đầy đủ và được viết già dặn hơn. Tôi muốn làm sao với 100 tâm lý được đề cập trong cuốn sách không quá dày vẫn đủ để bạn đọc hiểu các tâm lý đó nói gì, cách giải quyết cho tâm lý như thế nào. Tôi mong ước mỗi khi các bạn gặp bất cứ vấn đề nào trong cuộc sống, bạn có thể mở sách ra và có ngay lời giải thích thật súc tích, cách ứng phó trước những tình huống dẫn bạn đến trạng thái tâm lý ấy.
- Hành trình "tu bụi" mà thầy từng chia sẻ cho thấy thầy là một trong những nhà tu hành có cách trải nghiệm cuộc sống rất riêng. Đến bây giờ sau ba năm thực hiện tâm nguyện "tu bụi", nhìn lại, thầy thấy điều ý nghĩa nhất mà mình nhận được từ hành trình là gì?
- Có thể nói, đó chính là giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời tu hành của tôi tính tới thời điểm bây giờ. Giai đoạn tôi được là chính mình tuyệt đối mà không phải đóng bất cứ một cái vai nào hết. Chính từ chuyến đi này, tôi hiểu mình hơn cũng như thay đổi được những thói quen thâm căn cố đế mà mình đã tưởng không thay đổi được. Ngoài ra, cũng chính từ chuyến đi này giúp tôi yêu thiên nhiên nhiều hơn, cảm thấy có sự liên lạc chặt chẽ giữa mình và trời đất. Tôi cảm thấy vững chãi, tự tin và hạnh phúc hơn sau chuyến đi.
- Đi để được vững chãi, tự tin và hạnh phúc hơn, phải chăng mỗi người nên có một chuyến đi như vậy trong đời?
- Nếu có thể thì rất nên. Bởi vì hiện tại, hầu hết chúng ta thường đồng nhất mình với những suy nghĩ, thói quen hàng ngày. Thành ra nhìn cuộc sống với một lăng kính cũ kỹ. Chính những chuyến đi như vậy sẽ rứt bạn khỏi công việc hay những suy nghĩ hàng ngày, những thứ đã lấy đi của bạn nhiều năng lượng. Bạn đi để trở về thiên nhiên, được sống cho chính bạn. Mặc dù nghe có vẻ ích kỷ, nếu bạn sống hết lòng cho bản thân, làm chủ những năng lượng tiêu cực thì khi bạn xuất hiện trở lại với mọi người, những đóng góp của bạn sẽ rất tích cực. Lên đường không chỉ khám phá về thiên nhiên mà còn là khám phá những cung bậc cảm xúc của mình. Một khi mình đã hiểu được mình càng nhiều thì cơ hội nắm bắt được hạnh phúc sẽ càng lớn.
Ngoài ra, những chuyến đi như vậy giúp mình ngừng hưởng thụ. Bởi vì bạn sẽ không có gì ngoài vẻ đẹp đơn sơ của thiên nhiên. Khi sự hưởng thụ ngưng lại, thì tự nhiên nội lực trong bạn được sinh ra. Bạn sẽ thấy có nhiều chuyện bạn làm được mà trước đây bạn cứ nghĩ rằng mình không thể nào làm được.
Tác giả Minh Niệm sinh năm 1975 tại Châu Thành, Tiền Giang. Năm 1992 xuất gia tại Phật học viện Huệ Nghiêm, Sài Gòn. Năm 1999, ông bắt đầu tự thực tập Thiền Tứ Niệm Xứ. Đến năm 2001, ông bắt đầu công việc hướng dẫn thiền và khai triển tâm lý trị liệu cho giới trẻ. Cuốn sách Hiểu về trái tim ra mắt bạn đọc từ năm 2011, đến nay vẫn luôn nhận được sự quan tâm và yêu thích của bạn đọc. Đã có gần 100.000 bản ấn phẩm này đến với bạn đọc. Mới đây, trong sự kiện Hội sách TP HCM lần 8, Hiểu về trái tim được ban tổ chức giải thưởng sách Fahasa lần thứ hai bình chọn là một trong 10 cuốn sách được bạn đọc yêu thích nhất năm 2013. |
Hồ Huy Sơn thực hiện