Chiều 12/10, ông Hà Kim Tới đến Hà Nội cùng đoàn đại biểu nông dân xuất sắc cả nước tham dự buổi gặp mặt Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trước ngày diễn ra lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2018” tổ chức vào tối mai (14/10) tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.
Ông Tới năm nay 60 tuổi, nhà ở Võ Lao, Thanh Ba, Phú Thọ. Ông chỉ học hết lớp 7, chẳng có kiến thức gì về cơ khí nhưng từ công việc thực tế ông mày mò tìm cách làm bằng được chiếc máy giúp bà con ruôi sắn dễ dàng.
Giọng đầy tự hào, ông Tới chia sẻ với VnExpress: "Tôi rất vui. Bây giờ máy tôi làm không kịp để bán. Tôi không nhớ chi tiết nhưng chắc phải hàng chục nghìn chiếc máy ruôi (nạo/thái) sắn đã được xuất xưởng đi các tỉnh phía Bắc".
Sản phẩm của ông Tới đắt hàng cũng dễ hiểu bởi vì chỉ cần bỏ ra bảy trăm nghìn đồng, bà con có thể mua được chiếc máy vừa bóc vỏ, vừa nạo sắn. Máy cũng có thể nạo được nhiều loại củ khác.
Máy có cấu tạo đơn giản, gồm khung giá đỡ, mô tơ điện, phễu cấp liệu và lưỡi cắt với hai loại thái sợi và thái lát. Người dùng chỉ cần cho củ vào phễu cấp liệu, máy sẽ tự động hút củ vào lưỡi ruôi nên an toàn cho vận hành.
Nếu phương pháp thủ công một tấn sắn phải mất vài ngày mới xong thì chiếc máy chỉ cần một giờ và không cần thêm người bóc vỏ sắn. Nạo thủ công người dân còn đối mặt với nguy cơ đứt tay do chạm vào bàn nạo.
Chiếc máy này ông Tới làm từ cách đây 10 năm. Bây giờ ông đã cải tiến thêm với động cơ công suất lớn hơn và thêm tính năng thái cây chuối, hoa chuối. Chiếc máy ba trong một này ông bán ra thị trường giá 1,3 triệu đồng.
Để kịp hàng cung ứng ra thị trường, ông mở xưởng sản xuất tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên với thu nhập từ 5,5 đến 6 triệu/người/tháng.
Giải pháp tiến bộ của ông được trao giải nhì cuộc thi sáng tạo kỹ thuật năm 2012-2013 của Phú Thọ và giải khuyến khích sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2012-2013 do VIFOTEC trao tặng.
Ông cũng nhận được nhiều bằng khen của Hội nông dân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ vì những đóng góp cho sản xuất, phát triển kinh tế.
Ông tâm sự, đam mê lớn nhất là tìm giải pháp kỹ thuật phục vụ sản xuất, để bà con làm nông nghiệp đỡ vất vả vươn lên làm giàu.