![]() |
Một cảnh trong phim "Mật đắng". |
Chuyện phim kể về Lâm, kiểm lâm ở một tỉnh miền núi bị vợ bắt bỏ rừng về thị xã làm văn phòng. Ngộ nhận biết làm thơ, Lâm lên Hội văn nghệ tìm người bạn tên Huyên để bày tỏ nguyện vọng xin được chuyển sang làm thơ của tờ báo tỉnh. Cậu con trai của ông Chủ tịch Hội văn nghệ bị tai nạn xe máy, Lâm thật thà mang lọ mật gấu đến cho. Thật không ngờ, phương thuốc dân gian lại quá hiệu nghiệm, giúp cậu "quý tử" tỉnh táo liền sau đó...
Hoàng Quảng Uyên, nhà văn tự do sống ở Cao Bằng, nói: "Phim chỉ dựng được bộ xương, không có da thịt và không có hồn. Dẫu biết rằng, đạo diễn chỉ làm trung thực 50-60% kịch bản là tốt rồi nhưng khi xem Mật đắng, tôi có cảm giác ê chề và nhục nhã. Nhân vật chính trở thành nhà thơ mới kỳ cục làm sao, trong khi nhân vật của tôi chỉ dùng thơ để làm phương tiện trốn khỏi cái nghề kiểm lâm nguy hiểm luôn rình rập và đơn độc. Và còn rất nhiều câu thoại vô văn hóa kiểu Em không biết Thâm Tâm thâm má là cái thằng nào?".
Đạo diễn Hoàng Thanh Du bức xúc: "Tôi thực sự sốc khi nghe phản ứng của nhà biên kịch. Nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã viết giấy ủy nhiệm tác phẩm cho đạo diễn, bởi vậy, khi tác phẩm không ưng ý thì lẽ ra, anh cần trao đổi với tôi trước. Hơn nữa, anh ấy ở cao quá, nên không nắm được công nghệ làm phim truyền hình hiện nay. Tôi đề nghị anh ấy nên xem lại băng và nhìn lại nhân vật chính".
Biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, người chịu trách nhiệm biên tập bộ phim này cho biết: "So với kịch bản thì nội dung phim không có gì thay đổi, chỉ có điều đạo diễn làm hơi ẩu. Tôi cũng đã nói điều này với chính đạo diễn Hoàng Thanh Du. Khi đọc kịch bản, tôi rất thích sự hóm hỉnh, mê thơ của nhóm văn nghệ địa phương, hơn nữa, lại có tinh thần bảo vệ rừng, nên tôi đề nghị dựng thành phim. Nhưng làm phim 1 tập được có 70 triệu đồng, mà phải đi tận Hòa Bình, Quảng Ninh quay cảnh núi rừng, nên có thể dàn dựng cảnh chưa được như ý. Hơn nữa, đạo diễn dựng chưa duyên, chất hài trong phim bị khiên cưỡng, diễn chưa hay, cho nên lúc thành phim, không được hấp dẫn như mong muốn. Còn về nội dung thì không có sai lệch gì cả. Trên cương vị quản lý, tôi sẽ rút kinh nghiệm, những vấn đề về thơ ca mà giao cho đạo diễn không hiểu về thơ lắm thì không hiệu quả. Còn Mật đắng là công của một tập thể, không chỉ vì một tác giả kịch bản mà lại không phát sóng nữa".
Về khía cạnh này, ông Hoàng Thanh Du cho biết: "Khi đọc kịch bản, tôi đã xác định phải làm phim vui, phim hài chứ nếu làm theo đúng tinh thần của kịch bản thì sẽ rất khó làm và khó xem. Mới đầu, tôi định làm 2 tập, nhưng sau kinh phí chỉ đủ cho 1 tập nên đành sơ lược bớt một số chi tiết. Chính vì bỏ qua phần diễn giải, giới thiệu về nhân vật chính nên phim có bị khiên cưỡng. Phim này đã được Hội đồng kiểm nghiệm của Cục Điện ảnh và Ban thư ký Hội đồng truyền hình duyệt, bởi vậy không thể yêu cầu phim không được phát lại".
Còn ông Hoàng Quảng Uyên tâm sự: "Đây là kịch bản đầu tiên của tôi, nên khi biết được dựng thành phim, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Nhưng quả thật, tôi rất đau khổ và bất bình vì tai nạn nghề nghiệp này. Mong rằng, ý kiến của tôi sẽ làm thay đổi cung cách làm phim truyền hình hiện nay và những người viết kịch bản nghiệp dư sẽ tránh bị rơi vào tình trạng khóc dở mếu dở như tôi".
Thu Hương