Một trong những cuốn sách best-seller của năm 2005. |
Bà Đỗ Tuyết Mai - ủy viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Cà Mau, ủy viên ban biên tập tạp chí Bán đảo Cà Mau nơi nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đang công tác - nêu ý kiến về vấn đề này: "Cơ quan rất ủng hộ tác phẩm Cánh đồng bất tận của Ngọc Tư. Việc tiến hành kiểm điểm theo đề nghị của Ban tuyên giáo tỉnh ủy diễn ra nhẹ nhàng. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng đã tiếp thu ý kiến phê bình. Riêng cá nhân tôi, tôi thấy tác phẩm Cánh đồng bất tận xúc động và mang tính nhân văn cao".
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho rằng, một tác phẩm khi đến với độc giả mà gây được ý kiến, dư luận đánh giá, nhận xét nhiều chiều, thậm chí trái ngược nhau là điều bình thường. Tác phẩm khi ra đời mà nhận toàn ý kiến khen ngợi cũng là một hiểm họa cho nhà văn. Điều đáng sợ nhất chính là một tác phẩm chìm nghỉm, viết ra không ai thèm ngó ngàng tới. "Trong tình huống này, tôi nghĩ một nhà văn trẻ như Nguyễn Ngọc Tư cần bình tĩnh lắng nghe các ý kiến khác nhau, để phân tích, suy nghĩ tìm đường đi cho mình. Thời gian và độc giả sẽ chứng minh giá trị của tác phẩm nằm ở đâu. Riêng tôi, tôi luôn thích tác phẩm này", ông nói.
Nhà văn Dạ Ngân phát biểu: "Theo tôi, đáng lẽ chúng ta phải mừng vì ở tận cùng đất nước, ở miền đất xa xôi ấy có một cây bút nữ như Nguyễn Ngọc Tư. Tôi luôn cho rằng văn học Nam Bộ mà có Nguyễn Ngọc Tư là cao thêm mấy tấc nữa rồi".
Dạ Ngân kể, truyện Cánh đồng bất tận do Nguyễn Ngọc Tư viết ra và gửi đầu tiên cho tuần báo Văn Nghệ. Khi đó chị, nhà văn Trung Trung Đỉnh và nhà văn Hữu Thỉnh đọc thấy rất thú vị, đọc xong rồi đăng dài kỳ trên Văn Nghệ luôn mà không cần phải sửa một câu, một chữ nào cả.
"Những gì Tư viết theo tôi là rất hay, rất thực. Tôi ở Hậu Giang, cũng gần Cà Mau chứ đâu xa, có lần về đám cưới ở dưới ấy nghe mấy bà chị kể chuyện mà cười ra nước mắt: Bây giờ con trai, con gái vùng đồng bằng quá hiếm. Đến nỗi đám cưới không đủ người trẻ bưng mâm quả. Trai thì lên thành phố làm mướn, gái lấy chồng Đài Loan. Tất nhiên, không phải tất cả trai gái đồng bằng đều như vậy hết, nhưng có một bộ phận như vậy và đây là thực tế, là một sự báo động kinh khủng. Ở Hà Nội, đi uống bia ôm, gái miền tây, gái Cần Thơ là mốt. Chưa có nhiều nhà văn để nói lên đầy đủ những hiện thực đó".
"Tôi tin Ngọc Tư có bản lĩnh. Không thể so sánh một tác phẩm văn học với hiện thực cuộc sống một cách máy móc. Tôi tin rằng anh em trong nghề và bạn đọc sẽ rất ủng hộ Nguyễn Ngọc Tư. "Lớn thuyền lớn sóng". Nhà văn lớn nào cũng phải chịu xây xước để khẳng định mình", Dạ Ngân nói.
Anh Vũ Bình Lương, phó phòng bảo vệ chính trị Công an tỉnh Cà Mau, nêu nhận xét ở góc độ người đọc: "Tôi không thích Cánh đồng bất tận. Câu chuyện về mối quan hệ gia đình, cha con trong truyện phản ánh không đúng cuộc sống, tâm tư người dân Cà Mau. Cả những tội ác trong truyện cũng rất hoang đường".
Điện thoại cho nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tại Cà Mau, giọng chị vẫn vui vẻ và mộc mạc như mọi khi. Tư cho biết, chị viết Cánh đồng bất tận từ những mảng miếng thực tế trong cuộc sống mà chị góp nhặt được cộng với hư cấu riêng của mình.
Đề nghị của Ban tuyên giáo tỉnh ủy tỉnh Cà Mau: - Hội Văn học nghệ thuật kiểm điểm phê phán tác giả một cách nghiêm khắc, rút kinh nghiệm khi viết, cần phải có thực tiễn cuộc sống, cái đẹp, cái tốt mà xã hội đang xây dựng và phát triển. Tất nhiên, cần phê phán cái chưa tốt, nhưng phải đúng hiện thực và có định hướng cho con người đến cái chân - thiện - mỹ. - Hội Văn học nghệ thuật nên thường xuyên có định hướng cho người viết, sáng tác nên những tác phẩm hay, có phê phán nhưng phải thận trọng tránh gây nên một phản ứng xã hội gay gắt đối với tác phẩm. - Thường xuyên tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tất cả hội viên ở các lĩnh vực (có Nguyễn Ngọc Tư) được tham gia học tập lý luận chính trị, trau dồi đạo đức phẩm chất, nâng cao ý thức trách nhiệm của người cầm bút, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Riêng nội dung trả lời phỏng vấn với một số báo thiếu trách nhiệm, đề nghị Đảng, Đoàn nơi Nguyễn Ngọc Tư sinh hoạt giáo dục và kiểm điểm. (Trích báo cáo ngày 27/3 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau) (Theo Tuổi Trẻ) |
Anh Vân