Tác giả Bích Nga vừa ra mắt cuốn Sóng (NXB Phụ nữ Việt Nam) và Đường chúng ta đi (NXB Văn học). Dù khác biệt nội dung lẫn phong cách thể hiện, tư tưởng chung của hai tiểu thuyết này vẫn là khát vọng, nỗ lực bền bỉ của những người trẻ trong hành trình phát triển sự nghiệp, dựng xây hạnh phúc.
Dịp này, tác giả trò chuyện về tác phẩm lẫn quan điểm sáng tác.
- Chị có thể nói sâu hơn về hai tiểu thuyết mới nhất?
- Tôi ấp ủ Sóng từ lâu nhưng vì nhiều lý do nên năm nay mới hoàn thiện. Nội dung sách kể về cuộc đời nữ họa sĩ xinh đẹp, đa tài và cá tính nhưng cũng chịu nhiều sóng gió từ nỗi đau của những người đi trước, tôi gọi là "nỗi đau xuyên thế hệ".
Qua cuốn tiểu thuyết này, tôi muốn gửi gắm đến độc giả các giá trị sống có được từ sự nỗ lực, sức mạnh tình yêu cùng sự nhạy cảm, chân thành và sáng suốt.
Tôi rất vui khi vừa xuất bản, tác phẩm đã được độc giả nhiều lứa tuổi đón nhận. Họ gửi thư, nhắn tin cho tôi, khen cốt truyện kịch tính, giàu cảm xúc và nhân văn. Một số khác nói cuốn sách để lại cho họ nhiều trăn trở, suy ngẫm về cách yêu, cách sống.
Đường chúng ta đi là câu chuyện về tình yêu, hoài bão của những người trẻ đã cùng nhau học tập, phấn đấu. Họ đã nỗ lực vượt qua đau thương, sai lầm và biến cố để sống một tuổi thanh xuân rực rỡ.
Không quá kịch tính hay đi sâu phân tích nội tâm như Sóng, tiểu thuyết này có giọng văn nhẹ nhàng, bối cảnh tươi vui, thơ mộng ở nhiều vùng đất mà những người trẻ đã sống, đi và đến, ở cả trong nước lẫn nước ngoài.
- Hai tác phẩm trên hướng đến đối tượng độc giả nào?
- Xuyên suốt tác phẩm Sóng là cuộc đời nhân vật chính với tình cảm đẹp từ thuở hoa niên đến tình chồng vợ sâu sắc cùng những biến cố và nỗi đau xuyên thế hệ, đan xen đó là mảnh ghép cuộc đời của tuyến nhân vật trải khắp ba miền đất nước, có thể nói phù hợp với nhiều đối tượng.
Đường chúng ta đi như "chuyến tàu thanh xuân", khuyến khích giới trẻ biết ước mơ, phấn đấu, trân trọng và yêu thương. Trong khi đó, những người không còn trẻ có thể đọc để tìm về ký ức thanh xuân tươi đẹp.
Với tôi, văn học hầu như không có tuổi, ai cũng có thể đọc và tìm thấy phiên bản nhỏ của mình trong bối cảnh nào đó.
- Chị nói nhân vật chính trong tác phẩm của chị thường là người trẻ. Cảm hứng nào để chị viết về họ?
- Người trẻ cũng chính là nguồn cảm hứng của tôi. Họ có cuộc sống nhiều sắc màu, đủ trải nghiệm về công việc, tình yêu và hôn nhân. Thế hệ này còn quyết định tương lai đất nước. Họ có những câu chuyện thú vị, khi viết về họ, tôi cũng cảm nhận trái tim mình trẻ lại.
Hơn nữa, tôi nhận thấy sách văn học trong nước dành cho giới trẻ hiện không nhiều, nên tôi luôn có động lực mạnh mẽ để viết về những con người mang hơi thở thời đại và biết trân trọng các giá trị sống.
- Chị từng dịch nhiều sách và trải qua nhiều nghề nghiệp khác nhau, điều ấy ảnh hưởng gì đến sáng tác của chị?
- Tôi thích viết lách, từ thời đi học đã viết báo, làm thơ. Tôi cũng là dịch giả của nhiều cuốn sách đã xuất bản trong hai thập niên qua. May mắn tôi có cơ hội đi nhiều nơi, sống ở nhiều vùng đất, trải nghiệm đa dạng ngành nghề nên tích lũy được kha khá vốn sống phục vụ việc sáng tác.
Ngoài ra, nhờ dịch sách đa lĩnh vực, tôi có dịp tiếp cận các tác phẩm hay, tri thức mới và thường xuyên trau dồi ngôn ngữ để hoàn thiện tư duy lẫn phong cách viết.
- Chị vừa đề cập đến trau dồi ngôn ngữ, theo chị, yếu tố này đóng vai trò gì trong sáng tác?
- Tôi cho rằng ngôn ngữ có vai trò quan trọng vì đó là chất liệu của văn chương. Một số bạn đọc nhắn thơ và truyện của tôi có ngôn từ đẹp, họ thích điều ấy nhưng e ngại hơi kén người đọc, tôi lại cho đó là sự trân trọng độc giả.
Với tôi, văn học không chỉ truyền tải tư tưởng của tác giả về con người, cuộc sống và thời đại, mà còn thể hiện nét đẹp cùng chiều sâu ngôn ngữ. Dù có nhiều ý kiến cho rằng văn hóa đọc của giới trẻ ngày nay dần bị mai một, tôi vẫn tin với sự phát triển dân trí lẫn nhận thức, nhu cầu và khả năng cảm thụ văn học sẽ ngày càng tăng lên.
Bất kể đọc hay viết, tôi đều không thích thứ văn chương dễ dãi và hời hợt. Khi sáng tác, tôi không đơn thuần kể cho độc giả một câu chuyện mà còn cố gắng "đánh thức" những cảm xúc đẹp đang ngày càng hiếm hoi giữa cuộc sống bộn bề này.
- Các nhân vật của chị có tính cách ra sao?
- Tất nhiên là con người ai cũng có những cảm xúc đời thường. Tuy nhiên, các nhân vật của tôi đa phần dũng cảm, biết nỗ lực vượt qua nghịch cảnh. Tôi luôn muốn xây dựng hình tượng nhân vật biết trân trọng, tôn vinh các giá trị sống. Đó cũng là thông điệp tôi muốn gửi gắm đến tuổi trẻ và tất cả chúng ta.
- Chị đang ấp ủ cuốn sách nào?
- Tôi đang viết một cuốn truyện dài dành cho thiếu nhi. Qua câu chuyện, hành trình và trải nghiệm của nhóm trẻ nhiều độ tuổi và bố mẹ các em, tôi muốn các bạn nhỏ cảm nhận được cuộc sống nhiều sắc màu, biết chia sẻ cảm thông, sống tích cực, thêm yêu quê hương đất nước.
Truyện của tôi sẽ có cả tiếng cười sảng khoái lẫn cảm xúc sâu lắng, có thể làm rung động tâm hồn trẻ nhỏ. Đúng ra, đây là cuốn truyện dành cho thiếu nhi và cả bậc cha mẹ để hai thế hệ hiểu, đồng cảm với nhau hơn.
Qua cuốn truyện này, tôi cũng mong mỏi và cố gắng để độc giả nhí cảm thụ được vẻ đẹp của văn học lẫn cuộc sống, đồng thời nuôi dưỡng lòng nhân ái từ những trang văn, vần thơ giàu cảm xúc.
Mai Thi