Ông nói về tâm huyết với việc nghiên cứu, viết lách, dịp nhận giải A Sách Quốc gia hôm 29/11, với hai tập sách gần 1.600 trang Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh.
- Cảm xúc của ông khi được vinh danh ở Giải thưởng Sách Quốc gia?
- Trước đây, tôi và nhiều tác giả đã viết sách về TP HCM, nhưng chủ yếu là nội dung mang tính đơn lẻ. Tôi ấp ủ viết một cuốn sách toàn diện về quá trình hình thành, cuộc sống của thành phố qua từng thời kỳ.
Năm 1998, dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn (nay là TP HCM), tôi viết bộ đề cương gửi Giáo sư Trần Văn Giàu, nhờ ông góp ý. Tôi dự định giao cho một cơ quan hoặc nhóm nghiên cứu nào đó hoàn thiện. Nhưng một tuần sau, Viện Khoa học Xã hội TP HCM đề nghị tôi tự viết. Hàng ngày, tôi đi khắp các thư viện, Trung tâm lưu trữ Quốc gia ở TP HCM để tập hợp thông tin, ghi chép các tư liệu về địa danh - địa chí, lịch sử - văn hóa Nam Bộ. Tôi viết tay rồi thuê người đánh máy. Sau khi hoàn thành, Viện Khoa học Xã hội TP HCM lập hội đồng nghiệm thu, đánh giá chất lượng tác phẩm, giao cho Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Tuy nhiên, thời điểm ấy, dự án thiếu một chút duyên, không thể ra mắt bạn đọc.
Tôi tiếc công sưu tập nhiều tài liệu quý và hiếm, nên 20 năm sau, từ bốn tập bản thảo cũ, tôi biên soạn lại, tra cứu thêm các tài liệu từ năm 1998 đến 2020, chỗ nào thiếu thì bổ sung, sai thì sửa. Sau đó, tôi gửi Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM thẩm định. Tôi cảm ơn ban biên tập đã làm việc nghiêm túc suốt hơn một năm, để bộ sách thành hình, đến tay bạn đọc.
Sách của tôi còn một số lỗi sai liên quan dữ liệu. Đây là điều không thể tránh khỏi trong quá trình biên soạn, nhất là khi tôi một mình làm công việc này. Tôi ghi nhận các đóng góp, sẽ chỉnh lý trong những lần tái bản.
- Sau giải thưởng, ông ấp ủ kế hoạch gì?
- Trước đây, tôi từng có cuốn Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, được giải bạc của Hội Xuất bản Việt Nam. Sau đó, nhiều người khuyến khích tôi viết tiếp cho Trung Bộ, Bắc Bộ, Tây Nguyên. Ba tập này dày hơn cuốn về Nam Bộ. Ngoài ra, tôi cũng viết một số sách về lịch sử thành lập và phát triển các tỉnh trong từng vùng. Riêng Thanh Hóa và Nghệ An là hai tỉnh diện tích lớn, tôi gom vào một tập. Cuối cùng, tôi ấp ủ một cuốn từ điển tra cứu điển tích và một cuốn sưu tầm các bài văn tế của dân tộc.
- Viết sách ở tuổi xưa nay hiếm, áp lực của ông là gì?
- Tôi chẳng biết mình sống được bao lâu nữa, nên chạy đua với thời gian từng giờ, từng phút. Tôi làm việc suốt ngày đêm, thường xuyên thức đến 2h. Nhiều người xin đến gặp để trò chuyện, tôi từ chối để tập trung toàn bộ sức lực, tinh thần cho sách vở.
Khó khăn lớn nhất của tôi vẫn là việc thu thập tư liệu. Đôi lúc, để ghi ra được chính xác tên một địa danh, tôi phải đọc, tra cứu đến vài cuốn sách, rất công phu.
Nhiều người hỏi bí quyết sống lâu sống khỏe, nhưng tôi không có phương pháp gì đặc biệt. Tôi chú ý vận động, tập đi bộ, đi cầu thang mỗi ngày. Tôi ăn bữa chính, ít ăn vặt, không ham mê rượu bia, uống cà phê. Tôi giữ tinh thần thanh thản, học theo những điều đức Phật dạy: Sống vị tha, không giận dỗi ai lâu.
- Ông Đỗ Quang Dũng - Phó Chủ tịch Hội đồng sách Quốc gia - gọi ông là "đại sứ văn hóa đọc thực thụ". Ông nghĩ sao?
- Ngày nhỏ, tôi được ông anh mua cho một cuốn sách lịch sử. Tác phẩm đã khơi dậy trong tôi tình yêu sách, tình yêu với quê hương đất nước. Tôi là người say mê đọc sách, nhờ đọc nhiều, tôi mới viết được. Vì vậy, gặp các bạn trẻ, tôi đều khuyên họ hãy đặt bớt điện thoại xuống, đọc sách nhiều hơn để làm giàu vốn sống. Tivi, điện thoại có thể cập nhật tin tức nhanh, nhưng muốn có kiến thức sâu thì cần đọc sách.
Là người nghiên cứu, tôi thấy thông tin trên mạng còn nhiều chỗ sai, muốn có đáp án chính xác vẫn nên đối chiếu sách. Nếu chỉ dựa theo những tài liệu trôi nổi, rất nguy hiểm.
- Ông muốn nhắn nhủ gì với những người viết sách, nhất là dòng sách nghiên cứu như ông?
- Tôi nghĩ họ cần phải thực sự khách quan, bởi sự kiện lịch sử đã diễn ra, có kẻ thắng người thua. Ta là người ghi chép lại, cái gì đúng thì truyền tải, không thể lấp liếm, để hậu thế hiểu sai về quá khứ.
Trong cuộc đời, tôi từng trải qua nhiều giai đoạn khó khăn nhưng luôn lạc quan, yêu cuộc sống và chưa từng nguôi ngoai tình yêu dành cho viết lách. Năm 1954, lũ lụt ở quê nhà Nghệ An, tôi xung phong đi đắp đê, gánh đất nặng đến nổi u cả hai vai, mỗi ngày nhận được một ít gạo để nấu cháo loãng cho cả gia đình. Ba tháng húp cháo, tôi vẫn không rời cây bút. Sau năm 1975, tôi ra đường sửa xe đạp, nhặt nhạnh từng hào, vẫn tranh thủ vừa kiếm sống vừa đọc và viết. Giờ thấy đất nước giàu mạnh, kinh tế phát triển, đời sống người dân tốt lên, tôi rất hạnh phúc.
Ông Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920, quê ở Võ Liệt, nay thuộc xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Năm 12 tuổi, ông phải nghỉ học vì nhà nghèo, phụ cha chăn trâu, cắt cỏ. Thấy ông có chí, thầy cô ở trường làng quyên góp tiền nuôi ăn học. Năm 1943, ông quyết định viết văn với cuốn truyện dài đầu tay Nguyễn Xí. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông có thời gian làm cộng tác viên cho báo Độc Lập. Sau này, vào Nam Trung bộ lập nghiệp, ông biên soạn, xuất bản nhiều cuốn sách về lịch sử, địa chí các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận. Sau năm 1975, ông cùng gia đình vào TP HCM sinh sống.
Ông từng ra nhiều bộ sách, tiểu thuyết lịch sử như Loạn 12 sứ quân, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954).
Hà Thu