![]() |
Ùn tắc trên đường Nguyễn Văn Cừ. (Ảnh: Xuân Thu) |
Theo lực lượng cảnh sát giao thông thì khoảng một tháng nay tình trạng ùn ứ trên thường xuyên kéo dài 2-3 tiếng, từ 7h10’ đến 9h, nhất là những ngày đầu tuần có thể đến 10h mới lưu thông hoàn toàn. Đặc biệt sáng hôm qua và hôm nay lưu lượng xe ôtô đổ về Hà Nội tăng lên đột biến khiến cho đường đã đông lại càng nghẽn thêm. Theo thống kê của ban quản lý đường bộ 234, có khoảng 20.000 ôtô mỗi ngày, một phút có khoảng 150 xe môtô tham gia giao thông tại điểm này. Lưu lượng xe từ đường Nguyễn Văn Cừ, Ngọc Lâm đều đổ dồn về khiến cầu trở nên quá tải.
Tắc đường cũng diễn ra sáng qua tại Ngã Tư Sở và một số tuyến đường như Nguyễn Trãi, Tây Sơn, Trường Chinh, kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ (từ 7h30'). Theo đánh giá của lực lượng cảnh sát giao thông thì nguyên nhân do sự gia tăng của xe máy và xe khách, đồng thời sự thiếu ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người điều khiển phương tiện. |
Lực lượng của đội cảnh sát giao thông số 1, số 5, Ban quản lý cầu và Thanh tra giao thông đều có mặt tại cầu từ 6h30, dốc sức tham gia giải toả, phân luồng. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc vẫn không được cải thiện. Đội phó Đội cảnh sát giao thông số 1 Phạm Đình Viên cho biết: “Sở dĩ xảy ra nghẽn xe là do người dân có xu hướng mua nhà ở Gia Lâm, nhưng làm việc và học tập ở trong nội thành Hà Nội, nên sáng sáng họ đổ về thành phố cùng giờ cao điểm. Hơn nữa, mặt đường Nguyễn Văn Cừ rộng 13 m, hai dốc đê Ngọc Lâm khoảng 6 m, trong khi đó mặt cầu dành cho xe máy chỉ có 5 m do đó đã tạo thành một nút cổ chai”.
Cùng chịu trận với nạn này là trạm thu phí cầu Chương Dương. Nhân viên trạm đành để cho xe qua cầu mà không thể thu phí, bởi nếu không sẽ càng làm cho tình hình nghiêm trọng hơn. Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông số 1 Vũ Xuân Bích thừa nhận: "Lượng xe đổ về cứ như nước chảy. Chúng tôi lực bất tòng tâm".
Giải pháp duy nhất của cảnh sát giao thông lúc này là cấm các xe tải từ 6h30' đến 8h30' không lên cầu Chương Dương mà phải chờ từ cầu Chui hoặc vòng qua cầu Thăng Long. Ô tô từ dốc Ngọc Lâm đi lên phải đổi sang đi theo hướng Phi trường. Các xe được phép đi trên cầu phải đúng tuyến, đúng luồng. Trước gợi ý cho phép xe máy đi vào làn dành cho ôtô, ông Bích cho biết, nếu để xe đi vào làn giữa có thể giảm tải bớt xe máy nhưng sẽ không đảm bảo an toàn giao thông, tai nạn có thể xảy ra giữa xe máy và ôtô.
Theo lực lượng chức năng thì để giải quyết tình trạng này, thành phố cần có thông báo cụ thể về phân luồng giao thông trong giờ cao điểm tại cầu Chương Dương. Đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải nên nghiên cứu để cho xe cơ giới được đi qua cầu Long Biên, như vậy sẽ giảm tải được 1/3 đến 1/2 lượng xe máy, ôtô trên cầu Chương Dương.
T.H.