1. Thuốc triệt lông:
- Dung dịch tẩy lông: Dùng bôi lên mép và tay để làm trắng lông (chứ không làm rụng lông) ở những khu vực này. Nếu sử dụng nhiều lần, lông sẽ bị tổn thương (giòn và dễ đứt), không đều, chỗ có chỗ không. Thuốc còn gây kích thích da, làm da đỏ, ngứa hoặc rát.
- Thuốc tẩy lông loại sáp: Bôi thuốc lên vùng lông muốn tẩy, để khô và gỡ ra, lông sẽ ra theo. Thuốc này được dùng để nhổ lông dài như lông tay, chân. Tác dụng phụ là hơi đau, da bị kích thích, đỏ, ngứa, rát.
- Thuốc rụng lông: Là các mỹ phẩm dạng keo, kem hoặc dung dịch, chứa chất sulphites và stannites. Sau khi bôi 5-15 phút, lông sẽ rụng đi. Thuốc này có mùi hôi và dễ gây kích ứng da. Riêng loại chứa chất thioglycolate 2-4% sẽ có tác dụng chậm hơn 2 chất trên nhưng an toàn khi dùng ở vùng mặt.
Lưu ý: Không có loại thuốc nào có thể triệt lông vĩnh viễn mà chỉ có hiệu quả tạm thời.
2. Thuốc mọc tóc, lông mày, lông mi:
- Thuốc mọc tóc: Là dung dịch chứa các vitamin hoặc cystine, các chất chiết xuất từ rau sản phụ hoặc cây cỏ. Thuốc chỉ nuôi dưỡng và làm chậm sự rụng tóc chứ không có tác dụng làm mọc tóc.
Riêng loại thuốc có minoxidil 2% có tác dụng chính là giãn mạch nhưng lại có khả năng giúp mọc tóc. Tuy nhiên, thuốc này có tác dụng hay không là tùy thuộc vào nguyên nhân làm tóc rụng. Nếu tóc rụng do hói, nấm, lupus, hoặc nếu ngay chân tóc bị sẹo thì thuốc sẽ không có tác dụng.
- Thuốc mọc lông mày, lông mi: Đến nay chưa hề có loại thuốc nào có công dụng này.
Nên nhớ rằng lông nhiều hay ít là do sự bất thường về lượng nội tiết tố testosterone. Vì vậy, phải khám, xét nghiệm để tìm nguyên nhân của sự bất thường này thì mới có chỉ định điều trị đúng.
Tuổi Trẻ