Nước Nga ngày 24/6 trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm qua, khi lực lượng Wagner do Yevgeny Prigozhin đứng đầu kiểm soát trụ sở Quân khu miền Nam và điều quân tiến gần thủ đô Moskva. Căng thẳng chỉ hạ nhiệt khi Prigozhin chấp nhận rút quân theo thỏa thuận với Điện Kremlin, đổi lại trùm Wagner sẽ được miễn tố và rời Nga tới Belarus.
Hỗn loạn ở Nga diễn ra vào thời điểm quan trọng, khi Ukraine đang thúc đẩy chiến dịch phản công quy mô lớn. Mykhailo Podolyak, trợ lý Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho rằng cuộc nổi loạn của Wagner chắc chắn sẽ làm xao lãng nỗ lực quân sự của Nga ở chiến trường.
"Những vấn đề nội bộ như vậy ở Nga chắc chắn sẽ thúc đẩy xung đột sớm kết thúc", Podolyak nói.
Tổng thống Zelensky cho rằng vụ nổi loạn đã bộc lộ điểm yếu "nghiêm trọng" của Nga, khi cùng triển khai quân đội chính quy và lực lượng lính đánh thuê trên chiến trường Ukraine.
"Càng duy trì hai lực lượng này trên đất của chúng tôi lâu, họ sẽ càng thấy nhiều hỗn loạn, đau đớn và vấn đề xảy ra với chính mình", ông Zelensky nói.
Quân đội Ukraine nhiều tuần qua gặp khó khăn trong nỗ lực đột phá phòng tuyến Nga, khi vấp phải hệ thống phòng thủ dày đặc cùng lực lượng Nga cố thủ trong chiến hào. Song giờ đây, cuộc nổi dậy có thể khiến Wagner, một trong những lực lượng thiện chiến nhất của Nga, không còn khả năng tham gia chiến dịch, ít nhất là trong thời gian ngắn.
Wagner đã rút các khí tài hạng nặng như xe tăng, thiết giáp khỏi tỉnh Rostov ở miền nam Nga, nhưng chưa rõ họ có được tái bố trí đến chiến trường Ukraine hay không, trong bối cảnh người đứng đầu sẽ phải đến Belarus.
Giới quan sát cho rằng những rối loạn với Wagner có thể phần nào ảnh hưởng tới tinh thần chiến đấu của quân đội chính quy Nga ở chiến trường, tạo điều kiện tiến công cho Ukraine.
"Wagner là mũi nhọn thành công nhất trong chiến dịch của Nga suốt năm qua", Andriy Zagorodnyuk, cựu bộ trưởng quốc phòng Ukraine, nói. Wagner chính là lực lượng chủ lực giúp Nga kiểm soát thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine. "Họ có thể ngừng đóng góp vai trò cho cuộc chiến".
Bài bình luận ngày 25/6 trên Econimist chỉ ra "về mặt chiến thuật, cuộc nổi loạn của Wagner đã gây mất tập trung với quân đội Nga". Trong các chiến hào, các binh sĩ Nga nhiều khả năng sẽ ngạc nhiên về những gì đang xảy ra ở hậu phương và có thể không tập trung cho nhiệm vụ phòng ngự của mình.
Jacob Mezey, thành viên Trung tâm An ninh và Chiến lược Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng hành động của Wagner có thể tạo ra một số khoảng trống trong phòng tuyến Nga mà Ukraine có thể khai thác, khi Moskva phải dồn nguồn lực đối phó với Wagner và xử lý hậu quả của cuộc nổi loạn.
Trong vài ngày qua, Ukraine dường như cố gắng giành lại Bakhmut, thành phố mà Wagner từng kiểm soát và được xem là thành tựu nổi bật nhất của họ trong năm qua.
"Chúng tôi chưa thấy Nga rút bất kỳ binh sĩ nào khỏi chiến trường, song hỏa lực từ phía họ đã ít hơn và chúng tôi đang tiến quân", một binh sĩ Ukraine ở khu vực Zaporizhzhia nói.
Tuy nhiên, Phillips O’Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Andrews ở Scotland, nhận định do cuộc nổi loạn diễn ra bất ngờ, Ukraine chỉ có thể đạt được một số bước tiến nhỏ, không đủ khả năng tập hợp đủ lực lượng để triển khai bất kỳ mũi phản công mạnh mẽ nào thay đổi cục diện chiến trường.
Sau khi kiểm soát thành phố Bakhmut, lực lượng Wagner đã rút về doanh trại ở hậu cứ và gần như không đóng vai trò đáng kể nào trong phòng tuyến của Nga ngăn Ukraine phản công. Bởi vậy, việc thiếu vắng Wagner không ảnh hưởng lớn đến bố phòng của Nga trên chiến tuyến.
"Mìn và các chướng ngại vật khác của Nga vẫn còn. Lính Nga cũng đang trong vị trí phòng thủ. Nga đang điều lực lượng để bịt những lỗ hổng mà Wagner để lại", Mark Hertling, cựu tướng quân đội Mỹ, cho hay.
Dù vậy, giới quan sát nhận định cuộc nổi loạn của Wagner vẫn có thể tác động tới thông điệp của Tổng thống Putin rằng mọi việc luôn trong tầm kiểm soát. Sergei Markov, nhà tư vấn chính trị ủng hộ Điện Kremlin, cho hay nước Nga vẫn tranh luận về những gì đang diễn ra với cuộc nổi loạn và hậu quả của nó.
"Điều mọi người đều đồng ý là việc này lẽ ra không bao giờ nên xảy ra và nó có nghĩa là điều gì đó cần phải thay đổi. Điều rõ ràng là chúng tôi không nên có thêm lực lượng an ninh tư nhân nào nằm ngoài tầm kiểm soát", Markov nói.
Thanh Tâm (Theo Economist, WSJ, WP, TASS)