Trần Thiện Khanh -
Bắt đầu từ thay đổi nghề, thay đổi cách sống, thay đổi trạng thái tồn tại, đến thay đổi cách nghĩ, thay đổi lối viết, văn phong... Tạ Duy Anh đã thực hiện nhiều cuộc đổi thay trong thế giới văn hoá, thế giới nghệ thuật xét về mặt bút pháp và tư tưởng. Cứ sau một tác phẩm trình làng, Tạ Duy Anh lại nhân thêm hy vọng mình làm thay đổi được điều gì đó. Tạ Duy Anh nói nhiều về sự thay đổi; ông mô tả sự thay đổi từ nhiều góc độ, chứ không định ra một khung quy chiếu nhất định nào. Sự thay đổi trở thành một thứ cửa sổ thoát hiểm của văn học, của Tạ Duy Anh. Tạ Duy Anh đã nhìn ra con đường thoát khỏi sức ỳ của quán tính.
![]() |
Bìa cuốn Giã biệt bóng tối. |
Năm 1989, trong không khí đổi mới, Tạ Duy Anh công bố truyện ngắn Bước qua lời nguyền trên báo Văn nghệ. Bước qua lời nguyền đem đến cho văn chương đổi mới một tiếng nói dân chủ mạnh mẽ, đầy ắp tinh thần đối thoại. Tạ Duy Anh bộc lộ thái độ dứt khoát đoạn tuyệt với những lời nguyền, những định kiến, những khế ước đã trói buộc mọi sự tự do và nhu cầu nhân tính của con người. Cũng từ đấy trở đi "dòng văn học bước qua lời nguyền" (Hoàng Ngọc Hiến) mới hình thành rõ nét, sinh động và thực sự phức tạp.
Tạ Duy Anh chung thân với sự sáng tạo. Ông cứ đi, cứ viết trên con đường mình đã chọn. Chấp nhận sự bài xích, nguyền rủa để mỗi cuốn sách có một đời sống riêng, một cách cấu trúc và một ngôn ngữ của riêng nó. Chấp nhận sự thất bại trong nỗ lực thay đổi thói quen cầm bút và đọc. Tạ Duy Anh đem đến cho chúng ta một cảm nhận khác, một cách tư duy khác về sự sống cùng trách nhiệm của người nghệ sĩ đích thực. Cái đó thì chỉ có độc bản, không có phiên bản hoặc thế bản.
Tạ Duy Anh có xu hướng đẩy con người, sự kiện đến tận cùng giới hạn của nó một cách ráo riết và lạnh lùng. Ông không chấp nhận một cuộc sống dễ dãi, trong đó con người đánh mất sự đề kháng cần thiết đối với cái xấu, cái ác và bóng tối. Đọc Tạ Duy Anh, ở nhiều đoạn mạch ta cảm thấy gai người. Ngòi bút Tạ Duy Anh không minh hoạ thô lậu thực tế, càng không vờn vẽ hiện thực một cách hời hợt, nhạt nhẽo. Mà luôn tỉnh táo trải nghiệm, thể nghiệm các hiện tượng phi lý, dị thường và tàn khốc của cuộc sống. Tạ Duy Anh mô tả hiện thực từ một ý thức khai vỡ những góc khuất, góc tối, từ chủ ý vươn tới cái đa dạng, đa chiều và từ tâm niệm "trả lại cho con người những thứ họ được trời tặng". Tạ Duy Anh nói về hiện thực thô nhám, bộn bề bằng một thứ ngôn ngữ đời thường nhất, tự nhiên nhất.
Cho dù Tạ Duy Anh đã khẳng định những nguyên nhân nào tạo ra cái ác, cái xấu; đã cố gắng phân tích sự phi lý, nghịch lý ra sao thì xét đến cùng, ta thấy, ông chỉ hướng về những yêu cầu bức thiết, có ý nghĩa sống còn đối với sự sống của chúng ta. Quá trình sáng tác của Tạ Duy Anh vận động từ lối viết hiện thực phê phán sang lối viết hiện thực huyền ảo và bước dần về phía hậu hiện đại. Nhưng đôi khi những lối viết đó lại đan cài vào nhau, chuyển thấm sang nhau để đem đến cho chúng ta một cấu trúc trần thuật đa chiều.
Sau truyện ngắn Bước qua lời nguyền, Tạ Duy Anh công bố Khúc dạo đầu (tiểu thuyết, 1991), Lão Khổ (tiểu thuyết, 1992), Đi tìm nhân vật (tiểu thuyết, 1999), Bố cục hoàn hoản (tập truyện, 2004), Thiên thần sám hối (tiểu thuyết, 2004), Ngẫu hứng sáng trưa chiều tối (tập tản văn, 2004)... cùng gần 10 tập sách dành cho thiếu nhi. Hiện giờ, có hai bản thảo tiểu thuyết và một tập quái truyện của Tạ Duy Anh đang chọn ngày đến với công chúng văn học.
Hầu hết sáng tác của Tạ Duy Anh cho đến nay đều trở thành những sự kiện, hiện tượng văn học đáng chú ý trong đời sống văn chương. Bước qua lời nguyền dựng cái tên Tạ Duy Anh giữa dòng chính lưu của văn học đổi mới. Lão Khổ ghi một dấu khắc quan trọng bằng việc đem đến cho văn đàn một cách nhìn sâu sắc về thân phận người nông dân Việt Nam. Đi tìm nhân vật đánh dấu một bước tìm tòi mới về tư tưởng và cấu trúc văn bản, nhưng từng bị cấm lưu hành. Thiên thần sám hối được độc giả tìm đọc nhiều nhất trong số những tiểu thuyết xuất bản năm 2004, được in nối thêm 1.000 bản sau đợt phát hành đầu tiên. Giã biệt bóng tối nhận được sự bình phẩm rộng rãi của dư luận ngay từ khi mới ra đời.
Tiểu thuyết Giã biệt bóng tối được Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản lần đầu vào tháng 2/2008. Sau đó ba tháng, Viện Văn học tổ chức cuộc toạ đàm mang tên: Tiểu thuyết Giã biệt bóng tối trong bối cảnh của tiểu thuyết Việt Nam đương đại.
Tôi nghĩ đọc không chỉ diễn dịch tư tưởng, lối viết mà còn diễn dịch văn hoá, giá trị, tư duy, cá tính. Đọc Giã biệt bóng tối lại còn cần viện đến tinh thần của liên văn bản, phân tâm học và hậu hiện đại... Chính cha đẻ của Giã biệt bóng tối từng mong muốn nếu kỷ yếu về cuộc toạ đàm ở Viện Văn học hồi tháng 5 năm 2008 được in thì ông muốn nó mang tên Bảy nỗi thất vọng về Giã biệt bóng tối. Tạ Duy Anh nghiệm ra rằng để đánh giá được đúng những cách tân thì còn phải mất nhiều thời gian và công sức.
Để độc giả có điều kiện tham chiếu những cách đọc, cách nhìn khác nhau về tiểu thuyết Giã biệt bóng tối, nhà xuất bản Hội Nhà văn cho xuất bản cuốn Giã biệt bóng tối, tác phẩm và bình phẩm (2010), tập hợp được cơ bản các tham luận được trình bày tại cuộc toạ đàm ở Viện Văn học, đồng thời tuyển thêm 6 bài phê bình đã in trên những tờ báo lớn, chụm thành phần Bình phẩm. Sau phần Bình phẩm, cuốn sách còn in lại nguyên văn tác phẩm Giã biệt bóng tối, cũng nhằm giúp độc giả có thêm cơ sở khi cần tiến hành so sánh đối chiếu.
Có lẽ cuốn sách được xuất bản lần này sẽ đáp ứng được một phần nhu cầu đọc hiểu, đánh giá về tác phẩm Giã biệt bóng tối nói riêng và tiến trình tiểu thuyết của Tạ Duy Anh nói chung.
Hà Nội, ngày 12/7/2009