10h sáng, giữa cuộc họp với đối tác, Yến (29 tuổi, TP HCM) mất 2 giây để liếc nhìn màn hình điện thoại, thấy người gọi đến là mẹ, liền nhấn nút từ chối và tiếp tục bài thuyết trình. Cuộc họp có phần không suôn sẻ, ý tưởng quảng cáo mà nhóm của Yến đưa ra trong lần ra mắt sản phẩm mới không thuyết phục được đơn vị kinh doanh của đối tác. Cô có một ngày để chỉnh sửa bản kế hoạch. Cuộc điện thoại của mẹ cứ vậy chìm trong quên lãng.
Phong (32 tuổi, TP HCM) có một tuần công tác tại Australia. Anh hào hứng với chuyến đi này, không quên kể chi tiết kế hoạch lần đầu xuất ngoại với tất cả đồng nghiệp, bạn bè. Chỉ riêng mẹ, anh tự nhủ, thôi thì đến ngày đi hẵng gọi. Ngày khởi hành, xuất phát từ sáng sớm, bận bịu với bao nhiêu thủ tục, đến khi tiếp viên thông báo tắt điện thoại để máy bay cất cánh, Phong mới chợt nhận ra chưa gọi về nhà. Anh lại tiếp tục tặc lưỡi, chắc không sao đâu, chỉ một tuần thôi mà.
Nhiều người mải mê với hành trình của riêng mình mà quên rằng cùng với mỗi một nhịp thời gian, bố mẹ lại thêm già yếu. Rồi khi bỏ qua cuộc điện thoại, tin nhắn, ta cũng đồng thời bỏ qua vô vàn những yêu thương. Cuộc điện thoại của mẹ Yến là để thông báo rằng bố mẹ đã lên thành phố thăm con. Một lần ngắt máy của Yến, đổi thành 4 tiếng ròng rã hai người ngồi ở bến xe, cố gắng liên lạc mãi mà không được. Cũng chỉ vì chút lỡ quên của Phong, bố mẹ ở quê một tuần liền ngày nào cũng bấm số gọi cho con, đến ngày thứ 3 quá sốt ruột phải bắt xe vượt hàng trăm cây số, đến trước cửa công ty gặp ai cũng hỏi han.
Đã bao lần ta trót quên một cuộc điện thoại cho bố mẹ, khi vùi mình giữa những báo cáo, cuộc hẹn hò? Có đếm nổi những cuộc gọi vội vã ngắt máy, vì đến giờ làm, giờ gặp gỡ, giờ tập thể thao? Một đời đấu tranh nỗ lực, ước mơ của nhiều người là trở thành trưởng nhóm, trưởng phòng, đi vòng quanh thế giới. Còn nguyện vọng của bố mẹ, chính là nhìn thấy con trưởng thành, hạnh phúc, là mỗi ngày nếu con ở xa sẽ gọi về trò chuyện vài câu, được nghe con nói lời yêu thương giản dị.
Không chỉ lỡ quên, thờ ơ trong những cuộc điện thoại, nhiều người cũng từng ngại nói lời yêu thương tới bố mẹ. "Người một nhà, nói yêu thấy kỳ sao ấy", "Con cái tất nhiên yêu thương bố mẹ rồi, nói ra thừa lắm"... rất nhiều lời lý giải như vậy, đổi lấy việc tâm lý mặc định không cần phải nói yêu thương tới đấng sinh thành.
Nói lời yêu thương, không hẳn chỉ là thốt lên "Con yêu bố mẹ lắm", có thể dễ dàng hơn qua những lời hỏi thăm nhẹ nhàng, ví như: mẹ đãi cả nhà hôm nay món gì thế, bố mẹ hạn chế ăn muối nhé, cái chân đau của bố đã đỡ chút nào chưa... Cũng có thể dạy bố mẹ cách dùng Internet, 3G để gọi video, để mỗi ngày đều nhìn thấy hình bóng của con. Dù xa đến đâu, nhưng nếu biết cách, bố mẹ sẽ luôn cảm nhận tình yêu của con hiện hữu kề bên.
Ít nhất mỗi tháng một lần, đại gia đình cùng nhau có một lần sum họp đầm ấm, vui vẻ. Chẳng cần đi đâu xa, ngay tại ngôi nhà mà các con đã cùng lớn lên, bày biện mâm cơm với những món tủ của mẹ, có đồ uống nhâm nhi yêu thích của bố, giữa bữa cơm là vô vàn kỷ niệm đẹp cả gia đình. Những điều vui vẻ sẽ vun đắp hạnh phúc, làm chặt thêm sợi dây tình cảm gia đình.
Hiểu về sở thích của bố mẹ là cách dễ dàng nhất để thổ lộ tình yêu thương. Nếu mẹ thích cây cảnh, ngắm hoa, hãy tìm những loại cây thật đẹp, làm đầy thêm khu vườn trong nhà. Bố thích đánh cờ, hãy cân nhắc học bộ môn này, để mỗi cuối tuần có thể cùng bố đàm đạo so tài. Một lớp học khiêu vũ, dưỡng sinh, nấu ăn... cũng có thể trở thành gợi ý, giúp bố mẹ thêm vui vẻ ở tuổi xế chiều.
Hay cũng có thể như Yến, như Phong, từ sau những sự cố ấy đã hiểu ra rằng, không gì quan trọng hơn sức khỏe của bố mẹ. Vậy là lời yêu thương được hiện thực hóa qua những món quà cho sức khỏe. Yến mua ngay máy đo huyết áp, nhịp tim tại nhà, để mẹ lỡ chóng mặt cũng sẽ phát hiện ra bị huyết áp thấp kịp thời, ngay lập tức tìm cách xử trí. Phong thấy bố mẹ hay đau lưng, liền đưa về nhà chiếc máy massage nhiều chức năng, để cơn đau không còn làm giấc ngủ đứt đoạn, xóa đi sự khó chịu và mệt mỏi thường ngày.
Món quà cho sức khỏe, đặc biệt nhất đến từ một chế độ dinh dưỡng khoa học và cân bằng. Theo lời khuyên của nhiều chuyên gia, khẩu phần ăn của người già nên giảm so với thời trẻ. Chế độ ăn chia thành nhiều bữa nhỏ, nhai chậm nhai kỹ thức ăn. Chế biến các món hấp, luộc nhừ thay thế chiên, nướng. Không ăn quá no, nhất là vào buổi tối. Sau khi ăn xong nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút sẽ giúp dạ dày nhào trộn thức ăn và dễ tiêu.
Mỗi bữa ăn nên giảm lượng thịt, chất béo, muối; tăng thức ăn thực vật như vừng, lạc, đậu đỗ, rau xanh, hoa quả chín, cá, tôm. Uống 1,5-2 lít nước một ngày, ưu tiên nước trà xanh tốt cho tim mạch và các loại thức uống có tác dụng an thần như hạt sen, chè ngó sen...
Người lớn tuổi hấp thu và tiêu hóa đạm kém hơn so với trước nhưng lại không thể thiếu đạm trong khẩu phần ăn vì đây là thành phần dinh dưỡng quan trọng trong việc hình thành cơ, giúp cơ thể khỏe mạnh. Vì vậy, nên bổ sung các thực phẩm giàu nguồn đạm Whey dễ tiêu hóa, hấp thu. Riêng nhu cầu vitamin và khoáng chất tăng cao do cơ thể đã bị lão hóa, đặc biệt là các nhóm chất vitamin B12, folate/folic acid, canxi, vitamin D, magiê, chất xơ, omega-3 và nước.
Một chuyên gia tâm lý ở TP HCM chia sẻ, có muôn vàn phương cách để mỗi người thổ lộ tình yêu tới đấng sinh thành. Sự quan tâm đó dẫu không dùng ngôn từ khoa trương, nhưng sẽ trở thành động lực để bố mẹ có thêm niềm vui ở tuổi già, quý giá cho sức khỏe hơn bất kỳ phương thuốc đắt đỏ nào khác. Vậy nên, đừng đặt kỳ hạn cho mình, đừng nghĩ rằng tháng rộng ngày dài mà cho phép mình vô tâm. Hãy nói lời yêu thương với bố mẹ ngay từ hôm nay.
Từ ngày 28/6 đến 11/8, độc giả chia sẻ cảm xúc, tình yêu thương, kỷ niệm
khó quên bên đấng sinh thành đến cuộc thi "Lời thương gửi đến mẹ cha, ngại gì chưa nói? đang diễn ra trên VnExpress có cơ hội nhận sữa Boost Optimum. Tham gia cuộc thi tại đây.