* Trận Việt Nam - Syria diễn ra lúc 18h30 ngày 17/1, theo giờ Hà Nội. Trực tuyến trên VnExpress.
Syria chìm trong khói lửa kể từ năm 2011. Khi Mùa xuân Ả-rập mở ra, người Syria không còn được thấy một mùa xuân đúng nghĩa nữa. Hàng triệu người đã đào thoát, hàng nghìn người đã chết. Vậy mà giữa những tang thương ấy, đội tuyển quốc gia của họ vẫn suýt giành vé dự World Cup 2018. Syria thất bại trước Australia ở loạt trận play-off, nhưng những gì họ làm được đã giành được rất nhiều sự tôn trọng trên thế giới.
Trong một phóng sự gần đây của BBC, sân vận động Ri’ayat al-Shabab ở Aleppo đầy những vết thương chiến tranh. Bao quanh sân là những hố bom, những mảnh bom vẫn còn vương vãi trên đường. Bên trong sân, những trận đấu vẫn diễn ra. Cầu thủ và CĐV Syria vẫn đến sân theo dõi các trận đấu, dù việc ấy có thể phải trả giá bằng tính mạng.
Cách Aleppo vài trăm kilomet là thủ đô Damascus. Khu tập luyện và thi đấu thể thao của Syria vẫn hoạt động sôi nổi, dù bom rơi ngay phía bên ngoài. Mowaffak Joumaa, Chủ tịch Ủy ban Olympic, thường xuyên có mặt ở các giải thể thao tổ chức nơi đây. Ông nói: "Khu phức hợp này đã chứng kiến 170 quả đạn pháo rớt xuống. Nhưng nếu chúng tôi chui vào hầm trú ẩn thay vì hiện diện nơi đây, bọn khủng bố rồi sẽ đến tận nhà chúng tôi".
Mowaffak Joumaa chỉ là một, trong số hàng chục nghìn người xem cái chết nhẹ tựa lông hồng nơi đây. Bảy năm chiến tranh đã chứng kiến hơn 100 cầu thủ “đột nhiên mất tích”, nhiều người bị tra tấn dã man trong các nhà tù. Ba người trong số đó được xác nhận đã chết. Một số khác trốn được ra khỏi đất nước, xin vào sống trong những khu tị nạn của Liên hiệp quốc.
Firas al-Khatib, thủ quân đội tuyển Syria, đã mất nhiều bạn bè trong cuộc chiến. Trong hành trình kỳ diệu của đội tuyển Syria ở vòng loại World Cup, anh từng nói: “Dù điều gì có xảy ra đi nữa, tôi cũng mừng khi biết có 12 triệu người Syria yêu tôi, ngay cả khi 12 triệu người còn lại muốn giết tôi”.
Bóng đá trở thành thuốc an thần cho một quốc gia đã quá mệt mỏi về chính trị và chiến tranh. Syria rốt cục cũng không thể giành vé đến Nga. Nhưng họ chỉ thua Australia sát nút trong thời gian đấu thêm, nơi họ mất năm cầu thủ trụ cột và bị xà ngang - cột dọc từ chối những bàn thắng.
Đấy là chưa kể Syria không được đá trên sân nhà. Vì lý do an ninh, họ phải mượn tạm các sân ở Malaysia để thi đấu. Nhà báo Oz Katerji từng viết trên Twitter: "Con đường đến Sydney của Syria đã phải tốn rất nhiều máu. Chúng ta hạnh phúc vì sự can trường của đội bóng, nhưng không quên những kẻ máu lạnh đã xử tử các VĐV thể thao chuyên nghiệp ở Syria như thế nào".
Vị trí của Syria trên bảng thứ tự FIFA không cao, nhưng tinh thần và khát vọng giúp họ thi đấu vượt ngưỡng. Một cầu thủ giỏi ở Syria mỗi tháng chỉ kiếm được tầm 200 đôla. CLB vô địch giải Syria gần đây nhất cũng chỉ nhận được món tiền thưởng là 10.000 đôla cho cả đội.
Tháng 9/2017, hình ảnh các cô gái xinh xắn của đội tuyển bóng đá nữ Syria tại Hà Nội thu hút sự chú ý của nhiều người. Họ đến để dự vòng loại Asian Cup 2018 bóng đá nữ. Đấy là lần đầu tiên sau 11 năm, đội nữ Syria tham dự một giải quốc tế. Và đấy cũng là lần đầu tiên sau sáu năm ngưng hoạt động vì chiến tranh, đội nữ Syria mới tập trung trở lại để đá bốn trận trong vòng tám ngày tại Việt Nam.
Thắng thua vì thế không còn quan trọng nữa, vì bóng đá mang lại nụ cười cho Syria. Và tại vòng chung kết U23 châu Á lần này, dù có phải nói lời từ biệt sau trận đấu với Việt Nam chiều nay hay không, câu chuyện của Syria vẫn thực sự đã mang lại cảm hứng cho rất nhiều người. Nó cho chúng ta thấy sức mạnh của môn thể thao Vua là to lớn như thế nào.
Và Syria cũng cho tất cả thấy một bài học vô giá: không quan trọng truyền thống hay tầm vóc của một nền bóng đá, mọi thứ đều có thể xảy ra chỉ cần bạn có niềm tin và sự can đảm.
Bóng đá đôi khi là câu chuyện của trái tim hơn là những đôi chân.
Hoài Thương