Giống như nhiều người dân Damacus khác, M (từ chối nêu tên thật vì lý do an toàn) cho biết cô đã sẵn sàng cho một giai đoạn mới trong cuộc nội chiến ở quê nhà, bằng cách dự trữ đủ loại nhu yếu phẩm cho gia đình.
Thứ đầu tiên trong danh sách dài những món đồ không thể thiếu của M là đèn pin và hàng loạt cục pin dùng một lần, thứ sẽ được trưng dụng trong trường hợp toàn thành phố bị cắt điện. Tiếp theo là nhiên liệu sưởi ấm và những bình gas, vật dụng đặc biệt cần thiết khi mùa đông sắp tràn tới và nhiệt độ tụt giảm. Về thực phẩm, M chọn gạo và các loại đồ ăn có thời hạn sử dụng kéo dài, nhằm ứng phố trong tình huống mọi hàng hóa ở siêu thị đều bị vét sạch. Và để chốt lại danh sách M đã chọn cách dự trữ một lượng lớn đôla Mỹ, trong tình huống đồng lira của Syria đột ngột giảm mạnh và gia đình M buộc phải chạy trốn khỏi Damacus.
Đối với M, sự xuất hiện của những quả tên lửa, bom và các vụ nổ đã dần trở nên quá quen thuộc. Nhưng khi bằng chứng về việc vũ khí hóa học bị sử dụng trong vụ tấn công hôm 21/8 được công bố, cô vẫn hoàn toàn bị bất ngờ. M thậm chí còn không biết cách để phòng tránh thứ độc tố này, khi không ai chịu đứng ra cung cấp mặt nạ chống độc và để mặc chúng lan truyền trong không khí.
“Việc đó đâu còn quan trọng nữa”, cô nói, thừa nhận rằng cuộc chiến đã đến gần với gia đình cô hơn bao giờ hết, giữa lúc thành phố đang bị giày xéo trong cơn ác mộng của bạo lực và đói kém.
Mối quan ngại về vũ khí hóa học và bạo lực ở cuộc chiến, mà theo thống kê của Liên Hợp Quốc, từng khiến hơn 100.000 người thiệt mạng, đã tạo ra một cuộc tranh luận gay gắt trong cộng đồng quốc tế, xung quanh kế hoạch can thiệp trực tiếp bằng biện pháp quân sự. Trong khi các thanh sát viên của Liên Hợp Quốc vẫn đang làm việc tại những khu vực từng chịu ảnh hưởng của cuộc tấn công hồi tuần trước, nhằm tìm ra hung thủ đứng sau vụ việc, thì giới chức phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã sẵn sàng cho một hành động trừng phạt, mà theo họ là nhằm ngăn chính quyền Bashar al-Assad tiếp tục “đổ” chất độc hóa học xuống đầu người dân.
Đối với một quốc gia đang chìm sâu trong nội chiến, nơi sự thật bị lãng quên và dân thường bị ví như con tốt trên bàn cờ quốc tế, thì thứ mà những người như M quan tâm là tương lai của chính bản thân họ và kế hoạch ứng phó với cuộc chiến trước mắt, chứ không phải về việc al-Assad, phe đối lập hay các phần tử khủng bố đã thực hiện vụ tấn công hóa học đẫm máu hồi tuần trước.
“Sẽ là một cuộc chiến tranh”, một nhân viên du lịch, người từng tổ chức những chuyến tham quan các di tích khảo cổ ở Syria cho người nước ngoài, dự đoán. “Nhưng tôi không đoán được thời điểm và cách thức nó diễn ra. Nó nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi".
Thay vào đó, anh theo dõi những lời cảnh báo được phát đi hàng ngày trên Facebook, Twitter và tin nhắn về việc tích trữ lương thực, tránh tiêu thụ các sản phẩm có xuất xứ từ khu vực bị nhiễm độc và rửa tay thường xuyên.
Một dược sĩ giấu tên cho biết, cô không nghĩ các thanh sát viên Liên Hợp Quốc có thể cứu được Syria. “Đám thanh tra ngốc nghếch”, cô nói. “Bạn có tin vào sự thành thật của họ không? Bạn nghĩ họ có đủ khả năng để làm công việc của mình không?”, cô hỏi và nói thêm rằng cuộc điều tra về nghi án sử dụng vũ khí hóa học “chỉ làm tốn thời gian”.
Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập ở nước ngoài lại tỏ ra khá chắc chắn về tương lai của Syria. “Chúng tôi kêu gọi một hành động can thiệp của quốc tế, nhằm kiểm soát chính quyền Assad, ngay sau khi phương Tây xác nhận việc sử dụng vũ khí hóa học”, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Syria, Ahmad Jarba, nói tại một cuộc họp báo ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Còn về phía người dân Damascus, hầu hết đều tỏ ra rất thận trọng trước câu hỏi về một sự can thiệp quân sự của phương Tây. “Tất cả những gì tôi muốn là hòa bình, càng sớm càng tốt”, anh nhân viên du lịch nói, dù không biết điều này có thể xảy ra như thế nào. “Người dân đang rất hoang mang”, anh nói thêm, và cho rằng giới lãnh đạo “đã nói quá nhiều”.
Về phía vị dược sĩ, cô tin rằng hành động can thiệp quân sự chỉ là một kịch bản cũ và sắp được tái sử dụng cho Syria. “Chúng ta sắp thấy một Afghanistan và Iraq phiên bản mới”, cô nói.
Quỳnh Hoa (Theo Aljazeera)