Damascus đã giao nộp các chi tiết về kho vũ khí cho Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) có trụ sở ở La Hay, Hà Lan và quá trình giao nộp kết thúc hôm nay.
"OPCW xác nhận rằng đã nhận được các tài liệu như dự kiến từ phía chính phủ Syria về chương trình vũ khí hóa học của nước này. Ban Thư ký Kỹ thuật đang xem xét các thông tin nhận được", AFP dẫn lời tổ chức này cho hay.
Thông tin trên xuất hiện vào thời điểm các nhà ngoại giao ở Liên Hợp Quốc đang nỗ lực để thống nhất về từ ngữ cho bản nghị quyết về thỏa thuận giao nộp và tiêu hủy vũ khí của Syria.
Thỏa thuận giữa Nga và Mỹ đạt được hồi tuần trước yêu cầu Syria phải bàn giao toàn bộ kho vũ khí hóa học. Nhờ vậy Mỹ mới hủy kế hoạch tấn công quân sự vào Syria để trừng phạt việc Mỹ cho là chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công ngày 21/8 ở ngoại ô Damascus.
Thông tin về việc bàn giao kho vũ khí nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Trung Quốc. Người phát ngôn Vương Nghị cho biết Bắc Kinh "ủng hộ sớm tiến hành quá trình tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria". Ông Vương cũng kêu gọi triệu tập một hội nghị hòa bình tại Geneva "càng sớm càng tốt".
Tuy nhiên, sự đồng thuận quốc tế về kế hoạch này không xuất phát trên bàn đàm phán của Liên Hợp Quốc và Liên Hợp Quốc chưa ra được nghị quyết chung về vấn đề này. 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc tranh cãi từ hôm 15/9 về từ ngữ cho bản nghị quyết.
Mỹ, Pháp và Anh muốn một bản nghị quyết với những từ ngữ cứng rắn, chiểu theo Chương VII Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong đó cho phép sự dụng vũ lực hoặc trừng phạt để đảm bảo nghị quyết sẽ được tuân thủ. Tuy nhiên, Nga phản đối mọi ý kiến liên quan đến sử dụng vũ lực.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói ông và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov hôm qua điện đàm về một nghị quyết "mạnh mẽ" của Hội đồng Bảo an về thỏa thuận này.
"Chúng tôi đã nói về sự hợp tác mà cả hai bên đã thống nhất trước đó, không chỉ trong việc áp dụng các quy tắc và quy định của OPCW mà còn trong việc đảm bảo sự kiên quyết và mạnh mẽ của Liên Hợp Quốc", ông Kerry nói.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực về việc đó", ông nói thêm.
Thỏa thuận giải trừ vũ khí hóa học đã bị chậm lại vì các cuộc giao tranh trên chiến trường khi các nhóm quan sát về nhân quyền Syria thông báo quân chính phủ đã giết hại 15 người ở một làng Hồi giáo Sunni thuộc tỉnh Hama, miền trung Syria, tối hôm qua.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad xuất thân từ nhóm tôn giáo thiểu số Alawite và phải đối mặt với nhiều cuộc nổi dậy của người Sunni chiếm đa số.
Ở các nơi khác, nhóm quan sát cho biết các phiến quân tiến hành trao đổi tù binh theo thỏa thuận ngừng bắn ở thị trấn Azaz, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Căng thẳng bùng phát giữa một số nhóm nổi dậy, đặc biệt là ở phía bắc Syria, nơi các nhóm đối lập kiểm soát phần lớn lãnh thổ. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, cuộc xung đột tại Syria kéo dài từ tháng 3/2011 đến nay đã làm hơn 100.000 người thiệt mạng.
Vũ Hà