Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn thấy huyết áp tụt thấp, độ bão hòa oxy máu (SpO2) không đảm bảo. Ngay lập tức, bệnh nhân được chẩn đoán sốc phản vệ độ III do thuốc tê, xử trí theo phác đồ.
Sau khi tình trạng tạm ổn định, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức Nội khoa và Chống độc, tiếp tục theo dõi và điều trị. Trong quá trình này, người bệnh tiến triển nặng tổn thương đa cơ quan (hô hấp, cơ tim, gan, rối loạn đông máu), phải kết hợp nhiều thuốc vận mạch với liều cao tăng dần, nguy cơ tử vong cao.
May mắn, sau 7 ngày, bệnh nhân tỉnh táo, các cơ quan tổn thương đã hồi phục và được xuất viện.
Ngày 20/9, BSCKI Nguyễn Tiến Sơn, Khoa Cấp cứu, cho biết trường hợp này được cấp cứu đúng cách, kịp thời và tích cực nên giữ được mạng sống.
Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng. Một số triệu chứng gợi ý tình trạng phản vệ như: mày đay, phù mạch nhanh; khó thở, tức ngực, thở rít; đau bụng hoặc nôn; tụt huyết áp hoặc ngất; rối loạn ý thức.
Bác sĩ khuyến cáo người có ý định nâng mũi nên tìm hiểu kỹ quy trình kỹ thuật, thực hiện ở những cơ sở y tế uy tín. Nếu viêm sau nâng mũi, sửa quá nhiều lần có thể gây nhiều biến chứng và không tốt cho quá trình hồi phục, nên điều trị tại bệnh viện có chuyên môn.
Lê Nga