Ngày 11/11, bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, hai hàm răng cắn chặt, toàn thân tím tái, suy hô hấp nặng, nguy cơ ngừng tuần hoàn (ngừng tim, ngừng thở).
Tình huống nguy cấp, ê kíp quyết định mở đường thở, đặt ống nội khí quản để hỗ trợ nạn nhân thở máy. Hiện tình trạng của ông vẫn khá nặng, cần chăm sóc lâu dài kết hợp với phục hồi chức năng.
Một tuần trước, bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân nam, 66 tuổi, bị cọc nhọn đâm vào bàn chân trái, nhiễm khuẩn uốn ván khiến cơ thể co cứng, co giật, không đặt được ống nội khí quản, phải thở máy, chăm sóc tích cực. Hiện người đàn ông đã cai máy thở, rút ống mở khí quản, ăn uống và đi lại được, đủ điều kiện xuất viện.
Bác sĩ Tình cho biết uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính, có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra, ngay cả khi vết thương đã lành. Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì tình trạng bệnh càng nặng và sẽ diễn biến xấu rất nhanh.
Khi nhiễm uốn ván, cơ thể trải qua 4 giai đoạn: ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong của bệnh nhân rất cao do suy hô hấp, ngừng tim đột ngột, nhiễm trùng toàn thân, xuất huyết.
Bác sĩ khuyến cáo bệnh uốn ván đã có vaccine phòng ngừa. Tuy nhiên, vaccine chỉ sinh ra kháng thể trong 5-10 năm nên cần tiêm nhắc lại đối với người đã tiêm phòng đầy đủ trước đó. Người có nguy cơ cao như thường xuyên tiếp xúc bùn đất, phân động vật hoặc công nhân trong công trường, nhà máy, xí nghiệp... cần tiêm vaccine để chủ động phòng ngừa.
Nếu không may bị thương, nạn nhân nên rửa vết thương bằng nước sạch, sát trùng bằng cồn, dùng băng vô khuẩn để băng bó vết thương, sau đó đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và tiêm phòng.
Minh An