Ngày 1/6, bác sĩ Nguyễn Sỹ Sang, Bệnh viện Mắt TP HCM, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, mắt nhìn mờ, khó quan sát vào buổi tối, thường thấy đốm đen kích thước nhỏ (hiện tượng ruồi bay), nguy cơ mù.
Kết quả kiểm tra chẩn đoán bệnh võng mạc tiểu đường, một biến chứng nặng của bệnh tiểu đường. Ông bị tiểu đường 10 năm nhưng không tuân thủ điều trị.
Theo bác sĩ, trường hợp này không thể phẫu thuật do khả năng khôi phục thị lực thấp. Bác sĩ chỉ định tiêm thuốc chống tăng sinh mạch máu vào trong mắt kết hợp với theo dõi định kỳ, tránh biến chứng nặng.
Đái tháo đường là bệnh lý chuyển hóa đặc trưng bởi tăng glucose máu gây tổn thương nhiều cơ quan, nhất là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu. Nghiên cứu cho thấy cứ 10 ca đái tháo đường thì 6 trường hợp biến chứng tại mắt, trong đó 20-35% bị biến chứng võng mạc. Ước tính, khoảng gần hai triệu người Việt nguy cơ mù lòa do biến chứng đái tháo đường.
Tổn thương võng mạc do đái tháo đường biểu hiện rất đa dạng như tăng sinh mạch máu, phù hoàng điểm, xuất huyết, xuất tiết, bong võng mạc... Những tổn thương này gây suy giảm thị lực hoặc mù lòa. Tình trạng bệnh sẽ phụ thuộc vào thời gian mắc, mức độ kiểm soát. Bệnh võng mạc tiểu đường còn dễ gặp ở người có các bệnh lý kết hợp như huyết áp, thận, thai nghén, tăng lipid máu, béo phì... Bệnh diễn ra âm thầm, đa số người bệnh không biết cho đến khi tiến triển nặng, không thể điều trị hồi phục.
Bác sĩ khuyến cáo người mắc bệnh tiểu đường nên uống thuốc điều trị hoặc insulin theo đúng hướng dẫn và kiểm tra lượng đường huyết mỗi ngày. Duy trì thói quen kiểm tra mắt và tái khám ba tháng/lần. Đến gặp bác sĩ mắt càng sớm càng tốt khi có các biểu hiện thị lực khác thường hay giảm thị lực đột ngột, tránh nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn, mù lòa.
Thùy An