Trước đó, vì giận chồng nên bệnh nhân bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Buổi sáng thấy con gái không thức dậy, bố mẹ tưởng con muốn dậy muộn nên để ngủ thêm. Đến 10h sáng bố mẹ vào phòng ngủ xem thì phát hiện con đã hôn mê không rõ nguyên nhân. Bệnh nhân được cấp cứu tại khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc Bệnh viện Nhân dân 115.
Các bác sĩ đã đặt ống nội khí quản thở máy, xét nghiệm tầm soát độc chất và phát hiện bệnh nhân ngộ độc vì dùng quá liều thuốc chống trầm cảm loại 3 vòng, cùng thuốc an thần gây ngủ Benzodiazepine.
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng là một loại thuốc hướng tâm thần, trong cấu trúc hóa học có 3 vòng, được dùng điều trị những trường hợp trầm cảm nhẹ hoặc vừa.
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Đình Thắng, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết có nhiều trường hợp bệnh nhân uống từ vài chục đến cả trăm viên. Nhiều người còn uống cùng lúc nhiều loại khác nhau, gây ngộ độc nặng.
"Ngộ độc thuốc ngủ ít khi tử vong nếu được cấp cứu kịp thời. Thông thường bệnh nhân sẽ tỉnh lại khi được đặt ống cho thở máy. Tuy nhiên, đa số các ngộ độc đều ngấm dần, thuốc ngủ cũng vậy. Nếu đến muộn sẽ gây nhiều biến chứng nặng nề như trụy tim mạch, loạn nhịp tim, suy hô hấp, viêm phổi hít sặc, suy gan, suy thận, tổn thương các tế bào thần kinh ...", bác sĩ Thắng cho biết.
Thuốc ngủ ức chế hệ thần kinh trung ương, nếu uống nhiều có thể hôn mê. Thuốc ngủ có nhiều loại, có cả Tây y và Đông y. Đây là thuốc thuộc danh mục kê đơn, dùng theo chỉ định của bác sĩ nên không được bán công khai với số lượng lớn. Các thuốc an thần gây ngủ Đông y được bày bán thoải mái hơn thuốc Tây y, nếu dùng nhiều vẫn có thể gây ngộ độc.
Một số triệu chứng điển hình khi bị ngộ độc thuốc ngủ là lơ mơ, hôn mê, khó thở, loạn nhịp tim...
Theo bác sĩ Thắng, khi phát hiện bệnh nhân ngộ độc thuốc ngủ, nếu bệnh nhân còn tỉnh thì có thể móc họng, kích thích gây ói cho nạn nhân nôn ói rồi nhanh chóng đưa đến bệnh viện. Với trẻ em, cần hạn chế việc móc họng gây ói vì dễ gây sặc, nghẹt thở; mà nên đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Trong quá trình đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, cần phải đặt nạn nhân nằm nghiêng đầu một bên, nếu nằm ngửa sẽ dễ gây hít sặc các chất nôn vào phổi. Khi di chuyển chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của bệnh nhân.
"Khi bệnh nhân hôn mê, không nên dùng các phương pháp dân gian như nặn chanh, bôi vôi mà nhanh chóng đưa đến bệnh viện. Bệnh viện sẽ tùy từng trường hợp mà dùng các biện pháp như uống than hoạt tính, đặt nội khí quản thở máy, tăng đà phản chất độc hoặc dùng thuốc đặc hiệu... để điều trị kịp thời", bác sĩ Thắng lưu ý.
Lê Phương