Người đàn ông bị tê vùng môi và miệng, co cứng cơ tay chân, chóng mặt, tức ngực khó thở phải đi cấp cứu.
Tiến sĩ Hoàng Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) cho biết, khi vào viện bệnh nhân đã lơ mơ, đồng tử hai bên giãn, rối loạn cảm giác, yếu tứ chi, tê tay chân. Nhờ điều trị tích cực kịp thời, bệnh nhân mới qua cơn nguy kịch, dần cử động được các đầu chi.
Theo bác sĩ Quang, các xét nghiệm xác định nguyên nhân gây ngộ độc là do độc tố Tetrodotoxin có trong thịt và trứng con so. Đây là độc tố thần kinh mạnh, gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở, tử vong nhanh. Hiện chưa có thuốc giải độc. Mức độ nặng tùy thuộc vào lượng thức ăn mà nạn nhân tiêu thụ.
Biểu hiện ngộ độc là sau ăn 20 phút đến 3 giờ, môi và lưỡi hơi tê. Tiếp đó các ngón tay tê cứng, có thể kèm đau đầu, đau bụng, nôn mửa và tê liệt vận động, khó thở, huyết áp tụt nhanh rồi rơi vào trạng thái mất ý thức, ngưng thở nhanh sau đó.
Khi xuất hiện triệu chứng ngộ độc, nếu bệnh nhân tỉnh táo, thở bình thường thì cố gắng nôn nhưng an toàn nhất vẫn là nhanh chóng vào bệnh viện. Phản xạ gây nôn cũng rất nguy hiểm. Trường hợp nôn mà phản xạ bệnh nhân kém có thể hít sặc gây viêm phổi nặng. Khi vận chuyển, nếu bệnh nhân khó thở thì nằm nghiêng, đầu hơi thấp để đường hô hấp không bị tắc, đàm dãi có thể chảy ra ngoài.
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần cẩn thận khi ăn hải sản, đặc biệt là sam. Nhiều người gọi so biển là sam nhỏ. Sam khi trưởng thành có kích thước lớn hơn, khoảng 3-4 kg. Đặc trưng để phân biệt là ở đuôi. Đuôi sam biển có gờ mặt lưng rất rõ, khi cắt ngang thì có hình tam giác. Đuôi của so tròn và khi cắt ngang thì tiết diện hình tròn. Sam biển không có độc tố còn so biển chứa độc tố Tetrodotoxin giống như cá nóc.