Bác sĩ chuyên khoa 1 Phan Công Long, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng, cho biết anh Nguyên vào viện cấp cứu trong tình trạng toàn thân tái lạnh, không làm chủ được bản thân, nôn ói nhiều, hơi thở toàn mùi rượu. Người nhà cho biết trước đó anh nhậu và uống rất nhiều rượu, khi say đã dùng nước chanh để giải rượu nhưng không giảm mà nặng thêm.
Bác sĩ chẩn đoán anh Nguyên bị nhiễm độc rượu. Sau 2 giờ điều trị, các triệu chứng ngộ độc đã giảm, bệnh nhân tỉnh táo, không còn đau đầu, hết nôn mửa, được cho xuất viện.
Theo bác sĩ Long, ngộ độc rượu là tình trạng khá nghiêm trọng ở Việt Nam từ trước đến nay. Hầu hết các loại rượu tự nấu đang bán trên thị trường đều chưa qua kiểm soát an toàn chất lượng, trong đó nhiều loại chứa hàm lượng độc tố rất cao. Bác sĩ khuyên để tránh ngộ độc, không nên dùng nhiều rượu, tốt nhất chỉ uống loại đã được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành. Ngoài ra cần lưu ý, sau khi uống rượu bia nên tránh dùng các chất và thức uống như cà phê, nước ngọt, nước có ga. Khi say rượu không nên uống nước chanh pha mật ong để giải rượu vì có thể sẽ khiến cho tình trạng ngộ độc nặng hơn.
Bác sĩ Nguyễn Minh Nhiên, Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Sài Gòn hướng dẫn các bước sơ cứu tại nhà khi có người bị say rượu, ngộ độc rượu hoặc thức ăn như sau:
- Khi xác định một người bị ngộ độc rượu hoặc thức ăn thì không dùng món đó nữa. Khẩn trương gây nôn cho bệnh nhân càng nhiều càng tốt để tống hết thức ăn ra ngoài. Có thể gây nôn bằng cách uống đầy nước rồi móc họng, ngoáy vào họng. Lưu ý, chỉ gây nôn khi bệnh nhân tỉnh, không áp dụng với trẻ em vì trẻ rất dễ sặc.
- Sau khi gây nôn, nên uống một tuýp than hoạt tính và oresol bù điện giải.
- Nếu bệnh nhân bị co giật và ngừng thở, ngừng tim phải cấp cứu bằng cách hà hơi thổi ngạt và ép tim. Nếu hôn mê, hãy để bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng về một bên để phòng chất nôn sặc vào phổi.
- Sau khi sơ cứu, khẩn trương đưa người bị ngộ độc đến bệnh viện gần nhất để được xử lý tiếp. Nhớ mang theo một ít thức ăn, đồ uống nghi ngờ gây ngộ độc, chất nôn hoặc phân để giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị nhanh hơn.
- Đến bệnh viện, tùy theo mức độ ngộ độc, các bác sĩ sẽ tiến hành cấp cứu và làm một số xét nghiệm đường máu, điện giải đồ, công thức máu để đánh giá tình trạng ngộ độc. Bệnh nhân có thể được truyền dịch và tiêm thuốc tăng cường thải độc, thở oxy hỗ trợ hô hấp. Tất cả bước này được thực hiện cùng với theo dõi nước tiểu trong vòng 2 tiếng. Nếu bệnh nhân giảm nhức đầu, nôn ói, ổn định hô hấp, tuần hoàn, bác sĩ sẽ cho xuất viện. Lưu ý: Tùy theo cơ địa và mức độ ngộ độc, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nằm viện theo dõi trong thời gian ngắn hay lâu hơn.
Trần Ngoan