Ngày 30/10, bác sĩ Lê Minh Hải, Phó Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, cho biết sau khi dùng thuốc để kiểm soát huyết áp, dự phòng cơn sản giật, các bác sĩ chỉ định mổ chủ động lấy thai, tránh những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình chuyển dạ.
Bé gái chào đời nặng 1,5 kg, sức khỏe yếu, chuyển sang khoa Nhi chăm sóc đặc biệt. Sản phụ sau mổ chuyển sang khoa Hồi sức tích cực – Chống độc theo dõi.
Sau 9 ngày, bệnh nhân dần hồi phục, huyết áp được kiểm soát tốt, tử cung gò chắc, vết mổ khô. Bệnh nhi cũng qua cơn nguy kịch, tiếp tục chăm sóc tại khoa Nhi.
Gia đình cho biết bệnh nhân mang thai lần thứ 5, tuy nhiên 4 lần trước đều lưu thai ở tháng 6, 7 hoặc sinh non nên không giữ được.
HELLP là viết tắt ba dấu hiệu ở thai phụ gồm thiếu máu tán huyết (Hemolytic anemia), tăng men gan (Elevated Liver enzymes) và giảm tiểu cầu (Low Platelet count). Hội chứng này xảy ra với tần suất khoảng 0,5 đến 0,9% trên tổng số phụ nữ mang thai, chiếm từ 10 đến 20% các trường hợp tiền sản giật.
"Đây một biến chứng sản khoa rất nguy hiểm của bệnh lý tiền sản giật với tỷ lệ tử vong mẹ và bé cao", bác sĩ nói.
Triệu chứng thường gặp là đau vùng dưới sườn phải hoặc vùng bụng trên, buồn nôn hoặc nôn, đau đầu, rối loạn thị lực, tăng huyết áp, có đạm trong nước tiểu, phù.
Bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ mang thai nên đi khám thai định kỳ thường xuyên, nhất là trong ba tháng cuối thai kỳ để theo dõi huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu khi cần thiết, dinh dưỡng...
Nếu phát hiện bị tiền sản giật, hội chứng HELLP hay bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác thì sẽ được nhập viện điều trị kịp thời, đảm bảo an toàn sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Thùy An