Hoán đổi vị trí nút còi và xi-nhan là một "sáng kiến" không khoa học. Người thiết kế không hiểu nhiều về lực tác dụng ở môn vật lý. Còi xe là để dùng trong trường hợp khẩn cấp. Do đó, để xử lý nhanh thì người lái xe hay để tay thường xuyên nơi bấm còi.
Nếu nút còi nằm phía dưới thì tay người lái được nắm sâu hơn, lực tác dụng vào tay lái sẽ tốt hơn, lái xe sẽ an toàn hơn. Ngược lại, nếu nút còi nằm phía trên thì lực tác dụng vào tay lái yếu hơn rất nhiều. Đặc biệt xe tay ga, lực tác dụng vào tay lái lại càng yếu hơn nữa, vì 4 ngón tay trái phải đưa về phía trước để nắm tay thắng. Và lúc đó chỉ có lòng bàn tay trái tì lên tay lái mà thôi.
Honda khiến nhiều người luống cuống với vị trí nút còi. Ảnh: Đức Huy. |
Ở môn sinh học chúng ta đã biết, khi có sự cố khẩn cấp thì con người thường hay xử lý vấn đề theo phản xạ có điều kiện, tức là theo thói quen đã có trước đó. Cụ thể trong trường hợp này là đưa tay xuống xi-nhan để bấm còi (nếu nút bấm còi đặt trên xi-nhan). Tôi mua xe về chạy đã 2 năm mà vẫn còn nhầm lẫn. Có lần suýt tông người ta mới tìm và bấm được còi, cực kỳ nguy hiểm.
Ngoài ra còn có các “sáng kiến” rất kỳ lạ: đèn xi-nhan lại thiết kế gần sát với đèn chính, nhiều lúc đi ngoài đường bị ánh sáng đèn chính lấn át làm cho không nhìn thấy đèn xi-nhan cũng rất nguy hiểm. Ống khói thì chổng ngược lên và xối thẳng khí thải vào mặt người đi phía sau. Đèn sau thì có thêm một hộp nhựa trong phủ bên ngoài hộp nhựa đỏ.
Điều này tạo điều kiện cho một số người tháo lớp nhựa đỏ ra để cho ánh sáng từ bóng đèn stop phản chiếu trực tiếp vào mặt người đi phía sau, gây mất tập trung và nguy hiểm...
Đây cũng là những nguyên nhân làm gia tăng tai nạn giao thông tại Việt Nam. Đề nghị các nhà sản xuất xe nên ưu tiên vấn đề an toàn lên trên kiểu cách và nên chọn những kỹ sư thiết kế có kiến thức hiểu biết tổng quan hơn!
Trần Văn Chơn