Tiến sĩ Nguyễn Văn Tân, Phó Khoa Tim mạch Cấp cứu Can thiệp, Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), cho biết bệnh nhân nhập viện sáng 26/2 vì mệt, khó thở.
Ở người cao tuổi, những triệu chứng này khá thường gặp, đặt ra nhiều khó khăn trong chẩn đoán. Bệnh nhân nhanh chóng tụt huyết áp, bác sĩ cần phải khẩn trương xác định nguyên nhân để có hướng điều trị kịp thời.
Các bác sĩ cho bệnh nhân chụp CT có cản quang ngực, phát hiện huyết khối gây tắc hoàn toàn cả hai bên động mạch phổi.
"Bệnh nhân tắc một bên động mạch phổi hoặc tắc không hoàn toàn hai bên đã tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao. Trường hợp này tắc hoàn toàn cùng lúc cả hai bên nên rất nguy cấp", bác sĩ Tân phân tích.
Phim CT ngực có cản quang của bệnh nhân thấy tắc hoàn toàn động mạch phổi hai bên. Ảnh: Lê Phương. |
Nếu không khẩn cấp dùng thuốc tiêu sợi huyết để làm tan huyết khối, cụ ông sẽ tử vong. Tuy nhiên với bệnh nhân cao tuổi, thuốc có thể gây nguy cơ xuất huyết, lo ngại nhất là xuất huyết não nguy hiểm tính mạng. Cân nhắc giữa lợi và hại, các bác sĩ quyết định dùng thuốc nhưng điều chỉnh giảm liều phù hợp.
Khi được giải thích kỹ lợi ích và nguy cơ biến chứng, gia đình bệnh nhân đồng ý dùng thuốc tiêu huyết khối.
Sau khoảng 2 giờ truyền thuốc, oxy máu của bệnh nhân tăng dần, huyết áp cải thiện tốt hơn. Hiện bệnh nhân hồi phục, tỉnh táo nói chuyện được. Cụ ông được theo dõi, sử dụng kháng đông dự phòng thuyên tắc phổi tái phát.
Bệnh nhân dần hồi phục sau gần một tuần điều trị. Ảnh: Lê Phương. |
Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân cao tuổi cần cảnh giác vì có nhiều yếu tố nguy cơ thuyên tắc động mạch phổi như hạn chế vận động, nằm một chỗ, bất động kéo dài, có tiền sử huyết khối tĩnh mạch chi dưới, bệnh lý tăng đông... Lưu ý với các triệu chứng đau ngực, khó thở, ho ra máu...
Thuyên tắc phổi là một cấp cứu tối cấp, diễn tiến nhanh, có tỷ lệ tử vong rất cao nhưng triệu chứng không rõ ràng, thường bị bỏ sót không chẩn đoán kịp thời. Tại Việt Nam nhiều trường hợp chỉ phát hiện bệnh lý thuyên tắc phổi sau khi bệnh nhân đã tử vong.