Theo tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Đức (Bình Xuyên, Bình Giang, Hải Dương) nhập viện chiều tối 7/11 trong tình trạng khó thở, tím môi và đầu chi, suy 5 tạng bao gồm hô hấp, tim mạch, gan, thận và huyết học. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, nghi ngờ viêm phổi do cúm A, khi lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm thì dương tính với cúm A/H1N1.
Bệnh nhân đã được đưa vào phòng cách ly theo tiêu chuẩn chống nhiễm khuẩn, được gây mê hoàn toàn, hỗ trợ thở máy, sử dụng thuốc kháng virus và kháng sinh đồng thời lọc máu hấp phụ độc tố... Đến hôm nay, tình trạng bình nhân đã cải thiện tốt, không cần dùng thuốc, hết suy thận và tiên lượng hồi phục sớm.
Bác sĩ Phạm Thế Thạch, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trước nay nhiều người vẫn nghĩ cảm cúm là bệnh thông thường và khá chủ quan. Thực tế, không ít trường hợp rơi vào tình trạng bệnh nặng, tiến triển nhanh chóng, thậm chí tử vong vì đến viện muộn. Mỗi năm, có 3-4 bệnh nhân nặng, suy đa đạng, tính mạng nguy hiểm do cúm.
Theo bác sĩ, các dấu hiệu của cúm rất dễ nhận ra, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, đau mỏi người, đau đầu, sốt... Đa số trường hợp này đều là mắc cúm mùa thông thường (thuộc tuýp B) và chỉ cần 3-5 ngày hay kéo dài một tuần là khỏi. Tuy nhiên, không loại trừ một số trường hợp mắc các loại cúm dễ diễn biến nặng như cúm A/H1N1. Trường hợp bệnh nhân Đức, cũng có các biểu hiện ban đầu giống hệt cúm mùa thông thường. Sau đó, bệnh nhân diễn biến nặng với các biểu hiện như suy hô hấp, suy phổi... và nếu không được hồi sức tích cực nhanh chóng thì rất dễ tử vong.
Cúm A/H1N1 trở thành đại dịch toàn cầu trong năm 2009, xảy ra ở Việt Nam đầu năm 2010 và trong thời gian đó, cả nước ghi nhận hàng nghìn trường hợp mắc, trong đó hàng chục người tử vong. Từ đó tới nay, hàng năm vẫn ghi nhận rải rác một số trường hợp nhiễm cúm này. Theo Cục Y tế dự phòng, hàng năm Việt Nam ghi nhận khoảng 1,6 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc cúm mùa và trong 3 tháng đầu năm 2013 đã có trên 300.000 người nhiễm cúm, trong đó 3 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1 tại Yên Bái và Thanh Hóa.
Bác sĩ Nguyễn Thế Thạch cảnh báo, bất cứ ai khi bị nhiễm cúm nếu sang tới ngày thứ 3 hoặc 4 của bệnh mà thấy đau ngực, khó thở, mệt mỏi nhiều hơn thì cần đến ngay cơ sở y tế đủ điều kiện để được chẩn đoán bệnh và áp dụng cách điều trị phù hợp. Theo bác sĩ, ngay cả một số trường hợp mắc cúm mùa đôi khi cũng diễn biến rất nặng, chủ yếu rơi vào người nghiện rượu, phụ nữ mang thai... do có sức đề kháng kém.
Điều trị cúm hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu, người dân trong sinh hoạt hàng ngày cần có ý thức tăng cường sức đề kháng, khi bị bệnh nên uống nhiều nước, nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng. Các loại thuốc được coi là trị cảm cúm thực chất chỉ chữa triệu chứng (giảm hắt hơi, sổ mũi...) chứ không phải là thuốc điều trị bệnh, việc sử dụng thuốc diệt virus phải được bác sĩ chỉ định tùy trường hợp, không được tự ý dùng.
Vương Linh
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi.