![]() |
Thịt cá nóc nước ngọt có thể gây tử vong. Ảnh: cablemodem.fibertel.com. |
Tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, bé Nhân hoàn toàn mê man. Bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM.
Tại đây, chẩn đoán của các bác sĩ cho thấy, bệnh nhi bị liệt cơ toàn thân, nhịp tim rối loạn do độc tố tetrodotoxin, một loại chất độc có từ thịt cá nóc.
Các biện pháp điều trị tích cực như hỗ trợ hô hấp và truyền dịch được thực hiện ngay sau đó. Tuy nhiên phải mất 48 giờ kể từ khi nhập viện, bệnh nhi mới bắt đầu cử động.
Sáng nay, sau gần 10 ngày chữa trị, cháu bé đã qua được giai đoạn nguy hiểm và dần hồi phục sức khỏe.
Anh Nguyễn Hưng, bố của bệnh nhi cho biết, ngoài Nhân, 3 người lớn khác trong gia đình cũng đã phải nhập viện vì ngộ độc cá nóc, tuy nhiên không đến mức nguy hiểm.
Cũng theo anh Hưng, tại Đồng Tháp, cá nóc sông được nhiều người chọn làm món ăn ưa thích vì thịt có vị ngọt và béo.
Nhưng theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1, cá nóc sông là một món ăn nguy hiểm có thể gây tử vong vì chất độc tetrodotoxin. Chất này tương tự với độc chất có trong cá nóc biển và một số loài sinh vật độc khác như so biển, mực đốm xanh.
Toàn bộ cơ thể cá nóc sông đều có chứa tetrodotoxin, tập trung nhiều ở da và nội tạng, đặc biệt nhiều trong gan và cơ quan sinh dục, trứng cá. Độ độc của tetrodotoxin thay đổi theo từng cá thể và theo mùa trong năm. Độc tính cao hơn vào mùa cá đẻ trứng, từ tháng 2 đến tháng 7. Những con cá bị ươn, bị dập nát thì thịt cá sẽ bị ngấm độc tố nhiều hơn.
Cá nóc sông có kích cỡ và trọng lượng có thể nhỏ hơn cá nóc biển nên người dân thường ăn toàn bộ cơ thể chúng và vì vậy khả năng ngộ độc cao hơn.
Dấu hiệu ngộ độc xuất hiện sau khi ăn từ 30 phút đến 3 giờ với biểu hiện tê vùng quanh môi, miệng. Cảm giác tê lan rộng toàn vùng đầu, mặt, sau đó tê đến ngón và bàn tay, ngón chân và bàn chân. Tiếp theo là đau đầu, vã mồ hôi, chóng mặt, đau bụng, nôn ói, có thể kèm tiêu chảy.
Đối với trẻ em do sức đề kháng kém có thể bị khó nói, nuốt khó, khó cử động, mệt lả, yếu liệt toàn thân và cuối cùng suy hô hấp. Nặng hơn có thể bị liệt hoàn toàn, mất các phản xạ chất não, không thở nhưng vẫn tỉnh táo. Ngừng thở xảy ra trong khoảng thời gian 6 đến 24 giờ sau ngộ độc đưa đến tử vong.
Trong trường hợp bị ngộ độc, cần kích thích để trẻ nôn ói hết thức ăn trong dạ dày. Nếu thấy biểu hiện khó thở, cần tiến hành thổi ngạt và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Phương Nghi
* Tên các nhân vật đã được thay đổi.