Nữ sinh được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương trong tình trạng nổi ban toàn thân, khó thở, mạch chậm khó bắt, huyết áp không đo được.
Trước nhập viện, người bệnh ăn tôm biển dù đã có tiền sử dị ứng tôm cua đồng. 30 phút sau ăn, em bị đau quặn bụng, nổi ban, sẩn ngứa, được bố mẹ cho uống thuốc chống dị ứng nhưng triệu chứng không thuyên giảm.
4 tiếng sau, theo lời khuyên từ người quen, gia đình chữa mẹo bằng cách đốt vỏ tôm thành tro hòa nước cho bệnh nhân uống. Tuy nhiên, sau uống, người bệnh nôn và ngất, gọi hỏi không thưa, gia đình đưa đến viện cấp cứu.
Quan khám và xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán thiếu nữ bị phản vệ mức độ nghiêm trọng với tôm, cho tiêm bắp adrenaline (thuốc chống sốc), đồng thời truyền tĩnh mạch liên tục. Hiện, bệnh nhân đã qua nguy kịch.
Sốc phản vệ có thể gặp mọi lứa tuổi, mọi trường hợp, khả năng do thức ăn lạ (tôm, cua, ghẹ, côn trùng), côn trùng đốt, tiếp xúc chất lạ hoặc thuốc. Tình trạng này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu không được cấp cứu kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Triệu chứng thường gặp là mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, khó thở, tức ngực, mạch nhanh, huyết áp tụt, vật vã kích thích, có thể có tiếng thở rít, rối loạn ý thức, hôn mê.
Các bác sĩ khuyến cáo mọi người cẩn trọng trong ăn uống, nếu bản thân đã có tiền sử phản ứng với loại thực phẩm nào thì cần tránh xa. Trường hợp bị dị ứng sau ăn, người nhà cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất, tuyệt đối không được chữa trị bằng các mẹo dân gian, gây nguy hiểm tính mạng.
Thúy Quỳnh