Ngày 13/6, bác sĩ Trần Thạch Hải, Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức chống độc, Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng thở ngáp cá (thở chậm xen kẽ khoảng ngừng thở), toàn thân tím tái, da nổi vân đá toàn thân, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt, đại tiểu tiện không tự chủ. Trước đó, người bệnh nói nhảm, không kiểm soát được hành vi.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân lạm dụng rượu dẫn tới ngộ độc. Khi uống quá nhiều rượu, không ăn uống, cơ thể thoát ức chế, mất kiểm soát, bệnh nhân bị ngộ độc nặng với các triệu chứng kích thích thần kinh, hạ đường huyết, tụt huyết áp, hạ thân nhiệt, thậm chí suy hô hấp, hôn mê sâu.
Ê kíp cấp cứu đặt ống nội khí quản, thở máy, sử dụng thuốc vận mạch nâng huyết áp, truyền dịch. May mắn sau một giờ, người bệnh qua cơn nguy kịch.
Theo bác sĩ Hải, đồ uống có cồn (rượu, bia) làm tăng nguy cơ huyết áp cao, suy tim, đột quỵ nếu uống trong thời gian dài. Lạm dụng rượu bia gây viêm gan, xơ gan, viêm tụy cấp, đái tháo đường, ảnh hưởng tới hệ thống thần kinh với các biểu hiện như nói không rõ ràng, tê bì, ngứa ở bàn chân, bàn tay, giảm trí nhớ. Rượu bia có hại cho hệ tiêu hóa, giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, gây chướng bụng, đầy hơi, viêm loét dạ dày, tá tràng, suy giảm khả năng sinh sản.
Uống lúc đói, phần lớn lượng rượu đi nhanh từ dạ dày vào ruột non và hầu hết rượu được hấp thụ vào máu, làm tăng tác dụng phụ như ảnh hưởng khả năng suy nghĩ và điều phối các chuyển động của cơ thể. Dấu hiệu ngộ độc là đau, buồn nôn, thở dốc, nôn mửa.
"Uống một lượng lớn rượu lúc đói và uống dài ngày rất nguy hiểm, có thể gây tử vong", bác sĩ Hải nói, khuyến cáo không nên lạm dụng rượu, bia. Nếu uống rượu, nên ăn đầy đủ và thêm món có nguồn gốc từ tinh bột, ngừng lại khi đã uống nhiều, mất khả năng kiểm soát.
Thúy Quỳnh