Bác sĩ Huỳnh Công Tâm, Trưởng Khoa Phẫu thuật Gây mê - Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ, cho biết thai phụ 45 tuổi vào viện cấp cứu với tình trạng mệt mỏi, lừ đừ, tiếp xúc chậm, hai ngày trước.
Các bác sĩ ghi nhận đường huyết của bệnh nhân tăng cao, thiếu máu, giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân, lá lách to. Kíp cấp cứu đã hồi sức tích cực, truyền dịch, kiểm soát đường huyết liên tục bằng máy bơm điện. Thai phụ được theo dõi chặt chẽ đường huyết trong suốt quá trình hồi sức.
Một ngày sau, đường huyết của thai phụ mới ổn định, thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Các bác sĩ tiếp tục điều trị hồi sức, ngày 12/11 thai phụ tỉnh táo và tiếp xúc tốt hơn, sinh hiệu ổn. Thai nhi tiếp tục phát triển tốt trong bụng mẹ.
Theo bác sĩ Tâm, đái tháo đường (còn gọi tiểu đường) trong thời gian mang thai nếu không phát hiện và kiểm soát đường huyết sớm có thể nguy hiểm đến mẹ và thai nhi với nhiều nguy cơ, tai biến. Thai nhi vẫn có thể phát triển khỏe mạnh nếu tình trạng đái tháo đường thai kỳ được điều trị và đường huyết được kiểm soát tốt.
Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ trước khi có kế hoạch mang thai nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để tầm soát sức khỏe nhằm phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý nguy hiểm thường gặp trong thai kỳ. Để giảm nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ, nên duy trì cân nặng phù hợp, điều trị ổn định các bệnh nội khoa, áp dụng chế độ ăn khỏe mạnh, vận động phù hợp trước và trong thời gian mang thai.
Lê Phương